Dân Việt

Giúp dân cứu tôm

07/06/2011 10:00 GMT+7
(Dân Việt) - 52.470 ha diện tích nuôi tôm của 7 tỉnh ĐBSCL bị thiệt hại do tôm chết hàng loạt là một đòn chí tử giáng xuống hàng nghìn hộ nông dân. Tôm chết như vậy vượt ra khỏi khả năng tự cứu chữa của người nuôi, chỉ còn trông cậy sự trợ giúp của chính quyền.

Những bệnh tật trên tôm đã được phát hiện từ tháng 10.2010 khi xuất hiện hiện tượng tôm chết ở các tỉnh ven biển ĐBSCL. Đầu tháng 3 năm nay, thiệt hại vì dịch bệnh lây lan trên diện rộng, nhưng nông dân chỉ loay hoay với cách xử lý thông thường hoặc mày mò tìm ở những cuốn sách hướng dẫn nuôi trồng thủy sản. Trong khoảng thời gian khá dài đó, ngành nông nghiệp ở các địa phương có thể biết, nhưng cũng bất lực như nông dân. Hậu quả là một diện tích nuôi tôm lớn bị hư hại, nông dân nuôi tôm trắng tay.

Có thể chia sẻ một điều, người nuôi tôm dù rất có kinh nghiệm nhưng khó phát hiện được những nguyên nhân gây bệnh phức tạp trong nuôi trồng thủy sản. Như trong trường hợp này, nông dân làm sao biết được vi khuẩn gamma - proteobacteria với cái tên khoa học xa lạ? Ngay cả các nhà khoa học VN cũng tỏ ra thiếu tự tin trong chẩn bệnh và thiếu công cụ để xác định bào tử trùng, phải gửi mẫu ra nước ngoài nhờ xác định giúp.

Một đợt dịch bệnh xảy ra đặt ra cho ngành nông nghiệp những thách thức không phải chỉ trong quản lý mà cả trong nghiên cứu khoa học. Có thể nói, ngành nông nghiệp của các địa phương chưa có đủ đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ chuyên môn cao để xử lý các dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng (ngoài những bệnh thông thường).

Cho nên khi có hiện tượng dịch bệnh xảy ra, từ việc tự cứu chữa của nông dân đã mất một khoảng thời gian, thông tin đến các cơ quan của ngành nông nghiệp địa phương lại thêm một khoảng thời gian, rối quá phải trình lên các cơ quan trung ương, rồi hội thảo, họp hành bàn cách giải quyết. Vì phản ứng chậm chạp, nên đến khi có được một kết luận chính xác về nguyên nhân gây bệnh hoặc cách xử lý tạm thời thì diện tích thiệt hại đã phủ kín gần hết diện tích nuôi trồng.

Trong cuộc họp giao ban ngày 5.6 về việc tìm giải pháp phòng chống dịch bệnh thủy sản diễn ra tại Sóc Trăng, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho rằng: “Kinh nghiệm trong các lần chống dịch trên gia súc, gia cầm vừa qua, người dân chống dịch là chính. Vì thế phải thông báo cho dân biết điều gì đang diễn ra và chống như thế nào, không giấu giếm thông tin”.

Dân chủ động chống dịch là đương nhiên, vì của cải, tài sản của người nông dân nằm hết trong vuông tôm, miếng cơm manh áo của người nông dân dựa vào con tôm, không lo sao được. Nhưng biết cách phòng dịch đúng, hiệu quả thì cần phải dựa vào sự hướng dẫn chính xác, có cơ sở khoa học. Nông dân không chỉ cần hướng dẫn khi có dịch bệnh xảy ra, mà cần hơn là giúp phòng dịch bệnh. Để dịch tràn lan rồi thì có cứu cũng không kịp.