Dân Việt

Đảm bảo quyền lợi cho người dân tộc thiểu số

16/07/2012 15:48 GMT+7
(Dân Việt) - Ủy ban Dân tộc và Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam vừa phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế “Cơ chế đảm bảo quyền con người cho các dân tộc thiểu số ở Việt Nam và kinh nghiệm ở một số nước”.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên NTNN phỏng vấn ông Hoàng Xuân Lương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

Thưa ông, trong các quyền con người, quyền phát triển kinh tế - xã hội là nội dung cốt lõi nhất trong việc thực hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc. Ở VN, điều này đã được thực hiện như thế nào trong cộng đồng các dân tộc thiểu số (DTTS)?

- Nước ta có 53 DTTS, chiếm 14,3% dân số cả nước. Trong quá trình phát triển đất nước, công tác dân tộc luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành và quyền phát triển của đồng bào các DTTS được quan tâm thực hiện.

img
Cuộc sống ấm no của bà con dân tộc xã Cư Pơng, huyện Krông Buk, Đăk Lăk.

Đến nay, bộ mặt nông thôn miền núi đã có nhiều thay đổi công tác xoá đói, giảm nghèo có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào không ngừng được cải thiện; bản sắc văn hoá các DTTS được tôn trọng; đội ngũ cán bộ người DTTS được tăng cường cả về số lượng và chất lượng; quốc phòng, an ninh được giữ vững…

Những kết quả đạt được thời gian qua rất đáng được ghi nhận, nhưng chủ yếu tập trung vào xoá đói, giảm nghèo, giải quyết những vấn đề bức xúc trước mắt, chưa mang tính chiến lược lâu dài.

Nghĩa là việc thực hiện quyền phát triển của các DTTS hiện nay còn nhiều khó khăn, trở ngại?

- Hiện nay, vùng dân tộc, miền núi vẫn là nơi nghèo khó nhất, mức hưởng thụ các tiến bộ xã hội và mức sống của đồng bào còn khoảng cách xa so với mặt bằng chung của cả nước. Trong khi đó, chất lượng nguồn nhân lực lại rất thấp, hệ thống chính trị cơ sở yếu kém; kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất và phát triển; tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn, các thế lực thù địch luôn lợi dụng, kích động, chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết các dân tộc.

Để thực hiện thắng lợi chính sách dân tộc, bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng phát triển, đảm bảo thu hẹp dần khoảng cách giữa vùng DTTS với với các vùng miền khác của đất nước, chúng ta cần phải đánh giá một cách toàn diện thực trạng, những khó khăn, thách thức trong việc thực hiện quyền phát triển của các DTTS.

Vậy hệ thống văn bản chính sách hiện hành đã thực sự hoàn thiện và quan tâm đảm bảo về quyền con người cho đồng bào DTTS ở VN chưa, thưa ông?

- Các chính sách DTTS của Đảng và Nhà nước ta hiện nay rất toàn diện, trên tất cả các lĩnh vực, từ phát triển vùng đến hộ gia đình, đến từng con người cho tới từng các dân tộc đặc thù. Tuy nhiên, bất cập ở đây là nguồn lực không đủ, bất cập trong cơ chế vận hành, trong sự chồng chéo của các chính sách, sự chồng chéo trong quản lý giữa các bộ, ngành, các địa phương.

Chúng tôi đặc biệt quan tâm thứ tự ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ người DTTS, sau đó mới đến phát triển hạ tầng, giảm nghèo và bảo tồn phát triển văn hóa.

Chúng ta phải rà soát lại để phát hiện ra những bất cập, hạn chế để xây dựng bộ chính sách mới nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế đó. Chính sách mới phải làm sao để tập trung nguồn lực tốt hơn và phát triển bền vững hơn, huy động được nhiều nguồn lực từ bạn bè quốc tế để giúp cho vùng đồng bào dân tộc phát triển tốt hơn, với mục đích là thu hẹp dần khoảng cách để đảm bảo tốt hơn quyền phát triển của đồng bào DTTS ở VN.

Chúng ta vừa bước sang nhiệm kỳ mới, đang xây dựng những hệ thống chính sách mới. Vì là ở bước chuyển giai đoạn nên có những khó khăn nhất định. Giai đoạn này, chúng tôi mong muốn các tổ chức quốc tế hết sức quan tâm, giúp đỡ đồng bào DTTS ở VN, để hướng tới thực hiện mục tiêu đảm bảo quyền phát triển con người, hoà nhập chung với sự phát triển của cộng đồng quốc tế và khu vực.

Xin cảm ơn ông!