Dân Việt

No ấm về Chiềng Khoang

16/07/2012 15:11 GMT+7
(Dân Việt) - Xã Chiềng Khoang (huyện Quỳnh Nhai, Sơn La) là xã còn nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội. Trong điều kiện đó, Hội Nông dân (ND) xã đã có nhiều biện pháp thiết thực giúp hội viên ND phát triển sản xuất xoá đói nghèo.

Xã Chiềng Khoang có đồng bào 3 dân tộc Thái, Mông, Kinh sống rải rác ở 19 bản, bên những thung lũng, sườn đồi, với nghề nông truyền thống. Do địa hình đất dốc, không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, nên nhiều năm qua đời sống của bà con chậm được cải thiện...

img
Nông dân bản Nà Pát thu hoạch cỏ voi để nuôi trâu, bò nhốt chuồng.

Cán bộ làm giỏi

Trước thực trạng đó, Hội ND huyện và Hội ND các cơ sở đã chủ trương xây dựng nhiệm vụ sát với tình hình thực tiễn; nỗ lực vận động, hướng dẫn bà con phát huy những lợi thế vốn có của địa bàn, tích cực đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác; đa dạng hoá cây trồng để tranh thủ lợi thế đất nương và diện tích hoang hoá.

Ông Tòng Văn É - Chủ tịch Hội ND xã cho biết: Quỳnh Nhai là huyện nghèo, lại thực hiện nhiệm vụ di dân tái định cư Thuỷ điện Sơn La nên công việc càng thêm bộn bề. Hội đã vận động hội viên ND thực hiện khai hoang, phục hoá gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; nâng cao năng suất lao động. Đặc biệt, Hội đã hướng dẫn ND phát triển chăn nuôi trâu, bò theo hướng nhốt chuồng và đã thành công. Hiện đàn trâu, bò trong xã có gần 5.000 con, đàn lợn cũng có số lượng khá lớn...

Để đạt hiệu quả cao trong vận động ND xoá đói nghèo, làm giàu, các cán bộ hội gương mẫu đi đầu trong sản xuất và trở thành những điển hình sản xuất- kinh doanh giỏi như anh Cà Văn Toản - Chi hội trưởng bản Đúc, anh Lò Văn Hợp- Chi hội trưởng bản Đông.

“Gia đình Chủ tịch Hội ND xã Tòng Văn É cũng là điển hình sản xuất giỏi và xây dựng gia đình văn hoá, gia đình hiếu học. Tuy thời gian lao động hạn chế vì bận công tác hội nhưng ông vẫn chăn nuôi 5- 6 con trâu, bò; hàng năm thu nhập mấy tấn thóc. Các con ông được học hành đếu nơi đến chốn, trở thành sinh viên, giáo viên rồi đấy” - bà Lò Thị Giót ở bản Đúc cho biết.

Nông dân hưởng ứng

Đến bản Nà Pát, chúng tôi thấy những vườn cỏ voi xen canh với cây cao su hoặc bên những vạt nương nhỏ không thuận tiện cho canh tác lương thực.

Anh Cà Văn Uôn cho biết: Mấy năm gần đây, sau khi bà con trong bản góp phần lớn diện tích đất nương sang trồng cây cao su, chúng tôi được cán bộ Hội ND hướng dẫn phát triển gia súc, gia cầm nuôi nhốt để tăng thu nhập. Các hộ trong bản đều hưởng ứng chủ trương của Hội.

“Tới đây, khi cây cao su cho mủ, Chiềng Khoang chúng tôi sẽ thành một vùng công nghiệp với những công nhân trưởng thành từ ND”.

Cách chăn nuôi nhốt chuồng tuy phải mất thời gian lấy thức ăn cho gia súc, nhưng đảm bảo hơn trong việc phòng, chống được bệnh tật, giá rét, ngã xuống vực và tăng trọng nhanh hơn. Nhà tôi cũng nuôi được 2 con trâu, 4 con bò. Nhiều hộ chăn nuôi lớn nên có thu nhập cao lắm”.

Chị Lò Thị Phương (bản Nà Pát) cũng cho biết: Bà con ở đây ai cũng nghe và làm theo hướng dẫn của cán bộ Hội ND. Không chỉ hướng dẫn chúng tôi làm ăn để phát triển kinh tế, cán bộ Hội ND còn hướng dẫn chúng tôi thực hiện nhiều việc có ích, như làm đường giao thông nông thôn, nạo vét kênh mương, thực hiện sinh đẻ có kế hoạch để xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc...

“Bây giờ trong bản nhà nào cũng có xe máy, ti vi; hầu hết các hộ đều dùng nước sạch, có điện thắp sáng” - chị Phương tự hào nói.