Đạo diễn trẻ “lấn sân”
Liên hoan Sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2012 thu hút 20 đơn vị nghệ thuật với hơn 1.000 diễn viên, nghệ sĩ tham gia biểu diễn 26 vở diễn. Đây là liên hoan có số lượng tác phẩm, nghệ sĩ tham gia nhiều nhất từ trước đến nay. Để hạn chế tình trạng thiếu khán giả, Ban tổ chức đã phát 1.000 vé mời xem được tất cả các buổi diễn, 600 vé xem buổi khai mạc, 600 vé dự buổi bế mạc và tuyên truyền rộng rãi để thu hút công chúng.
Vở “Lũ quét” của Nhà hát Kịch quân đội mở màn Liên hoan. |
Ông Nguyễn Đăng Chương - Cục phó Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL), Trưởng ban Tổ chức liên hoan cho biết, nhu cầu thưởng thức của công chúng thay đổi và sự thiếu sáng tạo là nguyên nhân khiến đời sống sân khấu kịch đã và đang gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, Ban tổ chức không kỳ vọng liên hoan sẽ tạo ra diện mạo mới cho sân khấu, mà chỉ muốn qua đó nắm được thực trạng của sân khấu kịch để tìm ra hướng đi cho loại hình nghệ thuật này.
Theo Ban tổ chức, một trong những nét mới rất đáng chú ý tại liên hoan lần này là sự “lấn sân” của đạo diễn trẻ. Tỷ lệ các vở kịch do các đạo diễn gạo cội như Doãn Hoàng Giang, Lê Hùng, Xuân Huyền dựng tại liên hoan lần này chiếm tỷ lệ rất ít. Cụ thể, trong số 26 vở diễn tham gia liên hoan, chỉ có 1 vở do đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang dựng (Những mặt người thấp thoáng), 2 vở của NSND Xuân Huyền (Chia tay hoàng hôn, Cái chết chẳng dễ dàng gì), còn NSND Lê Hùng không có vở nào.
Trong khi đó, rất nhiều đạo diễn trẻ và mới như Đức Thuận, Đỗ Kỷ, Trung Hiếu, Hoàng Mai, Hoàng Dũng, Trần Nhượng, Tuấn Hải, Hồng Vân, Chí Trung, Anh Tú... góp mặt với rất nhiều vở diễn. Sự “lấn sân” này được đánh giá là thể hiện sự chuyển giao thế hệ của sân khấu kịch nước ta. Điều này cũng chứng tỏ các đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ đến với liên hoan không chỉ để thi và giành cho được huy chương mà quan trọng là để cống hiến cho khán giả và học hỏi lẫn nhau.
Vượt khó và không tự ti
Trong số 20 đơn vị nghệ thuật tham gia liên hoan lần này, có 8 đơn vị nghệ thuật xã hội hóa, hầu hết đến từ TP.Hồ Chí Minh. So với các kỳ liên hoan trước, lực lượng sân khấu xã hội hóa lần này chiếm tỷ lệ cao. Để chia sẻ khó khăn với các đơn vị sân khấu ngoài công lập, Bộ VHTTDL hỗ trợ mỗi đơn vị 50 triệu đồng, giúp họ có thêm kinh phí đưa các diễn viên, nghệ sĩ đi lại, lưu trú.
Theo một số lãnh đạo đơn vị nghệ thuật tư nhân, khó khăn nhất của đơn vị mình không nằm ở nội dung, chất lượng tác phẩm tham dự liên hoan, mà là sự tốn kém về kinh phí dàn dựng và đi lại, ăn ở. Chỉ mới tính chi phí đi lại, mỗi đoàn đã tốn từ 40-80 triệu đồng, chưa kể chuyện lưu trú. Khoản hỗ trợ 50 triệu đồng của Bộ VHTTDL so với kinh phí dàn dựng vở kịch, đi lại và lưu trú chỉ như muối bỏ bể.
Đạo diễn Xuân Hồng (Nhà hát Thế giới trẻ) tâm sự, dù khó khăn, nhưng đơn vị anh vẫn tham dự liên hoan để thử sức mình. Anh nói, đơn vị mình không tự ti trước những đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp công lập lâu năm. Theo anh, điều quan trọng là tác phẩm dự liên hoan có đáp ứng được nhu cầu của công chúng, được khán giả đón nhận hay không...
“Những đơn vị nghệ thuật xã hội hóa như chúng tôi khi dàn dựng vở kịch nào cũng đều tính rất kỹ chất lượng và khâu “đầu ra” để không bị lỗ. Do đó, nội dung vở kịch dự liên hoan đương nhiên phải phù hợp với đời sống và nhu cầu của người dân hiện nay và chất lượng không thể lép vế”- đạo diễn Hồng chia sẻ.
An Sơn