Là cơ sở đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện, theo kế hoạch trong năm 2012, Trung tâm Dạy nghề (TTDN) Lục Yên được giao chỉ tiêu mở 4 lớp đào tạo nghề cho 120 học viên.
Lớp học xây dựng ở xã Minh Tiến rất khó duy trì sĩ số vào ngày mùa. |
Khó duy trì sĩ số
Đến thời điểm giữa tháng 7.2012, TTDN Lục Yên cơ bản hoàn thành mở 4 lớp đào tạo, gồm 2 lớp chăn nuôi thú y tại xã Khai Trung và Mường Lai, 1 lớp nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt tại xã Lâm Thượng và 1 lớp xây dựng tại xã Minh Tiến. Giáo viên đứng lớp đều là những người có kinh nghiệm chuyên môn, có tay nghề…
Bên cạnh đó, trung tâm cũng đã thực hiện chi trả các khoản trợ cấp cho lao động tham gia đào tạo kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng, minh bạch… theo quy định của Quyết định 1956. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên chất lượng của các lớp đào tạo nghề chưa cao.
Chúng tôi đến thăm lớp học nghề xây dựng đang được mở tại xã Minh Tiến- địa phương rất chú trọng đến việc đào nghề cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, lớp học nghề xây dựng của xã đang gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì sĩ số.
Anh Đào Ngọc Vinh - giáo viên phụ trách lớp xây dựng tại xã Minh Tiến tâm sự: "Ngày mùa học viên đi học rất thất thường, nhiều hôm quá nửa lớp nghỉ học. Lý do các em đưa ra là bận việc đồng áng, phải đi làm để kịp thời vụ. Chúng tôi đã phải chia lớp thành 2 ca để tạo điều kiện cho các em có thời gian đi làm, tuy nhiên con số nghỉ học vẫn cao nên ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đào tạo".
Dạy chưa gắn với nhu cầu
Theo tìm hiểu của chúng tôi, số lao động trẻ ở Lục Yên đi làm ăn xa khá nhiều, số còn lại ở địa phương đều là lao động chính, do vậy đến ngày mùa, các học viên phải nghỉ học. Học viên Hoàng Xuân Hiệu chia sẻ: "Gia đình mình rất neo người, mình là lao động chính, biết là nghỉ học sẽ không nắm được kiến thức, song không đi làm thì không kịp thời vụ nên mình đành phải nghỉ học".
Về khó khăn của công tác đào tạo nghề, ông Lưu Mạnh Dũng - Giám đốc TTDN Lục Yên cho biết: Chất lượng các lớp đào tạo phụ thuộc rất lớn vào ý thức của các lao động, nhiều người còn đi học theo kiểu cho có, cho đủ lớp. Lao động chưa xác định rõ mục tiêu, chưa thực sự có ý thức học để phục vụ cho bản thân. Bên cạnh đó một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Có xã nhiều năm liền không mở được lớp đào tạo nghề nào.
Giáo viên Đào Ngọc Vinh
Theo ông Dũng, trung tâm còn thiếu đội ngũ giáo viên cơ hữu, việc liên liên kết với các trường, các ngành để dạy nghề cũng là trở ngại trong dạy nghề. Bên cạnh đó, việc phân bổ chỉ tiêu, ấn định về ngành nghề và số lượng học viên đã dẫn đến tình trạng nhiều ngành nghề không phù hợp với địa phương, lao động ít nhu cầu nhưng vẫn phải mở; nhiều ngành nghề lao động có nguyện vọng nhưng không được đáp ứng.
Ông Dũng cho rằng, để việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn phát huy hiệu quả, rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành, nhất là chính quyền, các đoàn thể ở cơ sở cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, tiếp cận với các chương trình đào tạo nghề, tạo cơ hội cho lao động học nghề. Học viên phải xác định rõ mục tiêu học nghề là để hành nghề, học để phục vụ cho chính bản thân và gia đình mình...
Triệu Huấn