Dân Việt

Ông Hồ Quang Lợi: “iPad - cũng bình thường thôi!”

17/07/2012 13:27 GMT+7
"iPad, cũng bình thường thôi! Đại biểu Quốc hội được cấp máy tính từ khoá trước, vừa rồi lại được trang bị laptop. Thượng và hạ viên Thái Lan đã dùng iPad trước chúng tôi 3 tháng".

Việc cấp iPad cho 95 đại biểu HĐND TP.Hà Nội trong kỳ họp thứ 5, khoá 14 này đã được báo chí làm “nóng” lên trong những ngày qua. Nhà báo Hồ Quang Lợi, Uỷ viên thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội trao đổi với phóng viên về vấn đề này.

Chào nhà báo Hồ Quang Lợi, tuần qua, báo chí “nóng” khi bàn tới việc các “ông bà hội đồng” được trang bị iPad như thể một “sự kiện chấn động”. Có lẽ do Hà Nội thường không dẫn đầu về kinh tế và công nghệ. Ý kiến của ông?

- Hà Nội là một trung tâm khoa học và công nghệ lớn của Việt Nam. Hệ thống chính quyền, bộ máy lãnh đạo TP làm việc theo công nghệ tiến bộ. Trước mỗi kỳ họp, chúng tôi nhận chồng tài liệu chừng 5 kg, đi họp phải xách theo một “khối”.

Hôm 5.7, 95 đại biểu HĐND đã được cấp iPad 2, hiệu Apple, 64 MB và được hướng dẫn sử dụng. Tài liệu vẫn được gửi in giấy phần lớn, chắc lần cuối; còn lại gửi qua iPad.

imgNhà báo Hồ Quang Lợi

ĐB HĐND hầu hết là trung niên, tuổi ngoài 50, lứa tuổi đa số ngại tiếp cận công nghệ mới. Dư luận có nghi ngại về hiệu suất sử dụng iPad, sự trang bị tiên tiến này phục vụ công việc là chính hay để chỉ để cầm theo lúc họp?

- Đại biểu trẻ nhất 30 tuổi. Các đại biểu sử dụng CNTT thường xuyên, không ai lúng túng khi tiếp cận iPad. Kỳ họp vừa rồi, tất cả đều sử dụng.

Chỉ 0,5kg, nó thật hiệu quả khi có thể đọc tài liệu ở mọi nơi, trao đổi thông tin dễ dàng. Tất cả có một mật khẩu chung để truy cập hoà mạng TP và mật khẩu riêng mỗi máy do chủ máy tự đặt.

Phòng họp có hệ thống máy cho các đại biểu bấm để phát biểu hay tán thành, nối với máy chủ của người điều hành, gồm: Chủ tịch HĐND Ngô Thị Doãn Thanh, Phó Chủ tịch Lê Văn Hoạt và Ủy viên thường trực NguyễnVăn Nam.

Đánh giá của ông về việc HĐND Thủ đô dùng iPad, so với khu vực và thế giới.

- iPad, cũng bình thường thôi! Đại biểu Quốc hội được cấp máy tính từ khoá trước, vừa rồi lại được trang bị laptop. Thượng và hạ viên Thái Lan đã dùng iPad trước chúng tôi 3 tháng. Ở khu vực, chúng ta thuộc loại khá về công nghệ.

Có phương tiện hiện đại, liệu tư duy, hiệu quả làm việc của HĐND có “đột khởi”?

- iPad tiện dụng, nhanh, chắc chắn tiết kiệm thời gian cho mỗi lần họp. Áp lực công việc cao, không có lúc nào mà chơi games như ai đó “lo”! Nhưng đáng nói hơn là những quyết sách được thông qua trong kỳ họp này.

Vâng, xin ông cho biết về kết quả kỳ họp thứ 5 vừa rồi?

- Kỳ họp đánh giá hoạt động 6 tháng đầu năm và kế hoạch 6 tháng cuối năm. HĐND đã thảo luận và thông qua 6 quy hoạch và Nghị quyết. Trong đó có quy hoạch về văn hoá, du lịch, giao thông vận tải, sử dụng đất, thủy lợi, thoát nước.

Đây là kỳ họp có chất lượng cao, thông qua hệ thống đồ sộ các văn bản quan trọng. Nó thực sự nóng, sôi động với phiên chất vấn diễn ra hôm 12.7 về vấn đề công viên Tuổi trẻ, hồ nước. Đại biểu giám sát, chất vấn lãnh đạo, các cơ quan thuộc UBND TP. Hà Nội.

Được biết, chiều 12.7, HĐND đã thông qua Nghị quyết về Quy hoạch phát triển văn hoá HN đến 2020, là địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện Quy hoạch về văn hóa. Ông cho biết cụ thể về Quy hoạch này?

“Phần mềm để làm việc của iPad ít hơn laptop. Nhận, gửi email, sửa chữa tài liệu thoải mái, nhưng do tính năng mà iPad hay được dùng đọc báo và chơi games. Làm việc ít, song pin lại lâu hết, tiện khi đem họp, dùng để đọc.

Laptop mau hết pin hơn, loại pin được 10 giờ thì đắt. Nếu trang bị cho các đại biểu laptop, thì phải có ổ cắm điện để sạc pin và 3G. IPad mà TP. Hà Nội cấp cho đại biểu là Apple (Mỹ) tốt nhất thế giới” - Thạc sĩ Nguyễn Tử Quảng, Tổng giám đốc kiêm chủ tịch HĐQT Công ty An ninh mạng (BKAV).

- HN là thành phố quan trọng nhất VN, là Thủ đô chính trị, Thủ đô văn hoá. Quy hoạch Văn hoá là điều tôi tâm huyết, quan tâm đặc biệt. Hà Nội hiện là một trong các TP lâu đời nhất của châu Á, cần giữ gìn giá trị cốt lõi quý báu, trong đó có một số đặc trưng đã biến thái hoặc mất.

Không chỉ chú ý xây dựng các công trình, HN quyết tâm xây dựng người HN thanh lịch như tiếng thơm từng có. Phát triển toàn diện thể chất, tinh thần, trí tuệ , đạo đức, chính trị tư tưởng.

Muốn thế phải tạo sự gắn kết giữa mối quan hệ văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa để bồi đắp nhân cách công dân Thủ đô, tạo môi trường văn hóa lành mạnh cho con người phát triển hài hoà, toàn diện, năng động sáng tạo, tuân thủ pháp luật, có ý thức cộng đồng, nhân ái, báo dung.

Thưa ông, đấy là “hình vẽ” về lớp công dân lý tưởng, khó khả thi lắm. Bởi căn bản là văn hoá nền, văn hoá đô thị của chúng ta chưa cao, nhiều tập quán không hay và nếp tuỳ tiện của những "công dân tự do” chỉ cần sống ở HN đã lan rộng. Ở một Thủ đô “bao la”, nhiều cái đẹp nguyên gốc chỉ còn lẻ loi, thiểu số, nếu TP. Hà Nội không đẩy mạnh thành ý thức tự thân của công dân, e hơi muộn!

- Còn bận lo đời sống nhưng nhiều người cũng quyết tâm tạo lối sống đẹp, phản ứng bài trừ những ứng xử thiếu văn hoá. Hà Nội đang xây dựng thành phố xanh - sạch - đẹp. Nền văn hiến Thăng Long cho chúng ta cơ sở tự hào và gây dựng một kinh đô văn hiến giao lưu, hợp tác với khu vực và thế giới. Tình yêu, lòng tự trọng về danh nghĩa “công dân thủ đô” sẽ thống nhất những người đang và sẽ sống ở đây, cũng đồng hành lộ trình văn hoá.

Trân trọng cảm ơn ông!

Vài nét về Quy hoạch văn hoá của Hà Nội

Đó là Quy hoạch bảo tàng; bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá vật thể, nổi bật là QH đối với khu di tích thành cổ Hà Nội 151.600m2, tập trung lập Quy hoạch bảo tồn và xây dựng công viên lịch sử văn hoá khảo cổ tại khu Hoàng thành Thăng Long (18 Hoàng Diệu), đón khách tham quan 2016.

Quy hoạch tượng đài: Tượng An Dương Vương tại di tích Cổ Loa, Đông Anh; tượng đài Độc lập ở điểm thích hợp tại nội đô. Đầu tư xây dựng các công trình ở cửa ô, có tượng đài nơi quảng trường ở 5 đô thị vê tinh. Sơn Tây, Xuân Mai, Hoà Lạc, Sóc Sơn, Phú Xuyên. Rất đáng chú ý dự án làm vườn tượng các danh nhân văn hoá tiêu biểu của Thăng Long tại Hồ Văn (Văn Miếu – Quốc Tử Giám). Những giá trị tinh thần của tiền nhân là di sản, sức mạnh của Thăng Long ngày nay, cần tôn vinh họ trường tồn.

Quy hoạch phát triển điện ảnh, rạp chiếu phim, nhà hát nhằm gia tăng đời sống văn hoá cho nhân dân. Từ 2015, mỗi năm TP cấp kinh phí làm 1-2 phim truyện nhựa 2-3 phim tài liệu, từ 2020 sẽ có 5 phim truyện nhựa/năm.

Đến 2015 hoàn thành đề án nghiên cứu và hệ thống đội ngũ văn hoá ở cơ sở và nghệ sĩ, có cơ chế đầu tư đặt hàng để có những tác phẩm phản ánh chân thực, sinh động truyền thống lịch sử, văn hoá, phẩm chất người Hà Nội. Hoàn thiện quy chế hoạt động của các Hội nghề nghiệp, Hội Liên hiệp VHNT, ưu đãi vật chất, nhà ở, có chính sách trân trọng văn nghệ sĩ, giúp họ thâm nhập thực tế, tạo điều kiện cho nghệ sĩ an tâm, tự do sáng tác.

 

Theo Thể thao & Văn hóa