Trông ra mà thèm
TS Lê Văn Bảnh- Viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long là một trong những người hết sức khát khao với ý tưởng xây dựng được một Bảo tàng Nông nghiệp VN tại khu vực ĐBSCL.
Phối cảnh đồ án thiết kế “Bảo tàng Nông nghiệp VN” đoạt giải Ba giải Loa Thành năm 2009. |
Ông Bảnh cho biết, các nước có nền nông nghiệp phát triển như Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippines... đều đã xây dựng bảo tàng nông nghiệp để giới thiệu và trưng bày các thành tựu của quốc gia mình như một niềm tự hào khôn tả.
Ngay sau khi kết thúc Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ I tại Hậu Giang vào tháng 11.2009, ông Bảnh và rất nhiều người khác tâm huyết với nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã đề xuất ý tưởng thành lập một bảo tàng như thế tại vựa lúa lớn nhất cả nước.
Nhìn sang các quốc gia lân cận có thể thấy chính phủ các nước này đã hết sức lưu ý tới việc bảo tồn, gìn giữ những báu vật trong nền văn minh nông nghiệp của họ.
Bảo tàng nông nghiệp đầu tiên của Trung Quốc với diện tích lên tới 3.000m2, được đặt ở Thọ Quang, tỉnh Sơn Đông. Bảo tàng trưng bày các công cụ nông nghiệp, mẫu vật và hình vẽ suốt một giai đoạn rất dài, từ thời văn minh Longshan (năm 2340 đến 1940 TCN) đến thời kỳ hiện đại.
Ở đây, du khách có thể nhìn thấy tận mắt một cây trồng hóa thạch có tuổi đời 130 triệu năm, hoặc những công cụ được dùng trong các vườn rau thời nhà Hán sống cách đây 2.100 năm.
Ngoài ra, Trung Quốc còn có một bảo tàng về lịch sử nông nghiệp rộng tới 4.000m2 mới được mở gần đây tại Thiểm Tây do Trường Đại học Khoa học và nông nghiệp lập ra.
Một quốc gia khác là Thái Lan cũng có bảo tàng nông nghiệp rộng 300ha mang tên Nhà vua Bhumibol Adulyadej (Rama IX)- một vị tiến sĩ, một nhà nông học có nhiều công trình nghiên cứu và sáng kiến phục vụ hữu ích cho nông nghiệp, nông thôn.
Trong khuôn viên bảo tàng, người Thái đã dựng một ngôi nhà gỗ rộng để làm trường học và cũng là nơi đón tiếp người dân trong nước về đây học làm nông nghiệp.
Không chỉ có các nước châu Á, nhiều quốc gia châu Âu, châu Mỹ cũng có nhiều hành động tôn vinh nền nông nghiệp của nước mình và đã trở thành những địa điểm du lịch văn hóa nổi tiếng như Bảo tàng Nông nghiệp Canada tại Ottawa, Bảo tàng Nông nghiệp Ireland tại Wexford, Bảo tàng Nông nghiệp ngoài trời Slovakia ở Nitra, Bảo tàng Nông nghiệp Hungary...
Cho dù hiện nay, với các quốc gia phát triển, nông nghiệp không còn chiếm một tỷ trọng lớn trong nền kinh tế, nhưng nhìn cách họ ứng xử với những dấu tích một thời của truyền thống, lịch sử, người Việt Nam không thể không thèm muốn.
Đợi đến bao giờ?
Việt Nam không phải là quốc gia nghèo tới mức không có kinh phí để xây dựng bảo tàng, bằng chứng là tại Hà Nội, có tới gần 20 bảo tàng tọa lạc ở các vị trí đẹp.
Cả nước hiện có tới 138 bảo tàng, bên cạnh hệ thống bảo tàng cấp quốc gia, hầu như mỗi tỉnh, mỗi thành phố đều có bảo tàng của riêng mình với hệ thống, nội dung trưng bày na ná như nhau: Thành quả trước và sau Cách mạng tháng Tám, thành tựu kinh tế xã hội... và một điều đáng buồn là cùng vắng khách như nhau.
Trong Quyết định số 156/2005/QĐ-TTg về quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020 ban hành vào năm 2005 có nêu rõ, các dự án ngắn hạn được quy hoạch trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2020 gồm có:
Bảo tàng Dầu khí, Bảo tàng Dệt may Việt Nam, Bảo tàng Giáo dục Việt Nam, Bảo tàng Giao thông Việt Nam, Bảo tàng Kiến trúc Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật ứng dụng, Bảo tàng Nông nghiệp Việt Nam, Bảo tàng Sinh vật học Việt Nam, Bảo tàng Xi măng Việt Nam, Bảo tàng Than Việt Nam, Bảo tàng Tem, Bảo tàng Tiền Việt Nam và một số các bảo tàng thuộc khối các trường đại học.
Trong số các bảo tàng dự kiến được xây dựng trong giai đoạn này, có lẽ Bảo tàng Nông nghiệp VN là một trong những dự án cấp thiết hơn cả bởi so với những bảo tàng như dầu khí, xi măng, than, giao thông, dệt may... những cổ vật, chứng tích liên quan đến đời sống nông nghiệp đang biến mất ở mức độ quá nhanh, tương đương với tốc độ đô thị hóa nông thôn hiện nay.
Thế nhưng cho đến nay, vẫn chưa thấy có một dự án nào cụ thể hơn được khởi động để có thể khẳng định đến năm 2020, VN sẽ có một Bảo tàng Nông nghiệp.
Một lão nông tên là Dương Văn Ngà xã Tiên Sơn (Việt Yên, Bắc Giang) đã tâm sự với chúng tôi:
“Nhiều lần lên Hà Nội, đi ngang qua Bảo tàng Hà Nội rất bề thế, mới khai trương nhưng khách vắng hoe ở đường Phạm Hùng, tôi chỉ ước sao VN cũng có được một Bảo tàng Nông nghiệp to và hoành tráng như thế. Để những người nông dân chúng tôi không tủi phận, vì nghề nông, người làm nông, nông cụ sắp sửa biến mất hết rồi”.
--------------------
(Còn nữa)
Lê Tâm