Dân Việt

“Vương quốc khóm” thành vùng đất chết: Sống lay lắt trên đất vàng

18/07/2012 06:34 GMT+7
(Dân Việt) - Chỉ với 1 khu công nghiệp đang hoạt động và vài dự án "treo", Tiền Giang biến cả ngàn ha đất nông nghiệp thành đất hoang. Nông dân phải sống lay lắt ngay trên cánh đồng một thời màu mỡ…

Đánh đố nông dân

Trên những con đường đá đỏ xuyên qua ấp 1 (xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) là cảnh những ngôi nhà lâu ngày không ai chăm sóc. Nhiều căn nhà xiêu vẹo, trống huơ trống hoác như nhà vô chủ, xung quanh cỏ dại mọc đầy.

img
Vợ chồng ông Từ Tiên Hoan bên căn nhà tại Dự án KCN Tân Phước 1.

Anh Bùi Hoàng Dũng (nông dân ấp 1) nói:

"KCN Tân Phước 1 quy hoạch treo kiểu này chẳng khác gì treo nồi cơm của dân. Chính quyền công bố quy hoạch từ năm 2009, từ đó đến nay nông dân chúng tôi luôn sống trong nơm nớp lo âu.

Dù chính quyền luôn bảo chúng tôi cứ yên tâm sản sản xuất, nhưng hệ thống bơm tát thì tê liệt thì chẳng khác nào đánh đố nông dân. Đã vậy, trồng khóm đầu tư rất nặng vốn, gần 2 năm mới thu hoạch ổn định, trong khi đất lúc nào cũng như chuẩn bị thu hồi tới nơi thì ai dám làm?".

Ông Nguyễn Văn Vui - nguyên Giám đốc Nông trường Tân Lập, người đã gắn bó với vùng đất này từ khi nó mới hình thành cho biết, đối với cây khóm, chỉ cần bỏ hoang một nửa diện tích thì nửa còn lại dù nông dân có cố gắng đến đâu cũng cầm chắc thua lỗ.

"Những mảnh đất trồng khóm còn sót lại sẽ bị chuột bọ tấn công, gây thiệt hại nặng. Hơn nữa, toàn bộ diện tích này cùng nằm trong 1 ô đê bao, nếu chỉ còn một nửa diện tích canh tác thì chi phí bơm tát sẽ đội lên gấp đôi, nông dân không còn lãi…" - ông Vui lý giải.

Ông Phạm Văn Thành (nông dân xã Tân Lập 1) kể, nông dân chưa kịp hoàn hồn với Dự án KCN Long Giang (thành lập năm 2007, đang bỏ hoang 440ha) thì tháng 7.2009, tỉnh Tiền Giang họp dân công bố sẽ thu hồi 270ha đất tại ấp 5, xã Tân Lập 1 để Công ty TNHH một thành viên Genuwin D&C Tiền Giang xây dựng sân golf. Tuy nhiên, đến nay dự án chỉ nằm… trên giấy.

Hình ảnh nhận biết duy nhất của dự án là tấm bảng công bố quy hoạch đã rách bươm đứng giữa cánh đồng khóm. Quy hoạch treo này cũng biến đồng vàng thành đồng hoang.

"Trước đây, 1,5ha khóm cho gia đình khoảng 55 tấn khóm/năm, lợi tức trên 160 triệu đồng, nhưng nay thì không có đồng nào để sống" - nông dân Trần Văn Thanh ở ấp 5 buồn bã nói. Theo lời ông Thanh, nhiều người không còn đất sản xuất, chuyển qua làm phụ hồ nhưng công việc cũng hết sức bấp bênh.

Trở lại kiếp nghèo

Cách đây hơn 30 năm, Tân Lập 1 là vùng đất hoang. Dân nghèo tứ xứ đổ về đây xây dựng kinh tế mới với hy vọng thoát nghèo. Dự án công nghiệp càn quét tới đây, nhiều người vừa chớm làm giàu đã quay lại kiếp nghèo.

Anh Dương Văn Dàng (35 tuổi) kể:

"Cưới vợ xong, tôi được cha mẹ cho 6,5 công đất (0,65ha) để ra riêng. Hai vợ chồng trẻ hồ hởi trồng khóm, nuôi cá sinh sống. Làm nông tuy có vất vả một chút nhưng cả nhà sum họp bên nhau.

Từ ngày có Dự án KCN Tân Phước 1, vợ chồng tôi chẳng còn thiết tha gì đến mảnh đất này vì không biết khi nào họ sẽ thu hồi. Giờ thì hai vợ chồng đi làm công nhân, con thì gửi nhà trẻ. Mà lương công nhân thời điểm này nuôi con chật vật lắm".

Cha của anh Dàng là ông Dương Văn Tâm cách đây mấy năm sống khá thoải mái với 1,3ha đất khóm. Ở vùng đất này, nhiều người lớn tuổi, không có sức khoẻ vẫn có thể thuê mướn lao động, sau khi trừ chi phí vẫn có lãi để sinh sống. Thế nhưng, nay ở tuổi 60, lẽ ra phải được nghỉ ngơi thì vợ chồng ông Tâm phải quay lại nghiệp làm mướn để kiếm tiền đong gạo.

"Đất vàng rơi vào tay họ đã thành đất hoang, còn dân nghèo chúng tôi thì đói lay lắt là một nghịch lý đang diễn ra tại đây. Bao mồ hôi công sức chúng tôi đổ ra, chỉ bằng vài tờ quyết định, cả vùng biến thành đất chết".

Những liếp khóm màu mỡ của ông Tâm giờ đây cỏ mọc lút đầu, thành nơi trú ngụ của rắn rết, chuột bọ.

Anh Dàng có sức khoẻ nên được làm công nhân, còn vợ chồng ông Tâm thì không doanh nghiệp nào dám nhận, đành chịu cảnh "thợ đụng", ai kêu gì làm nấy với thu nhập rẻ mạt.

Kề nhà anh Dàng, chúng tôi bắt gặp 2 vợ chồng cụ già đang ngồi buồn thiu trước căn nhà rách tả tơi. Cả 2 cụ sức khoẻ rất kém, lãng tai nên phải nhờ mấy người hàng xóm "phiên dịch" chúng tôi mới nghe được cảnh buồn của 2 cụ.

Cụ ông là Từ Tiên Hoan, năm nay 84 tuổi, còn cụ bà là Nguyễn Thị Hưng, năm nay 82 tuổi quê ở tận Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Mấy năm trước, con trai 2 cụ là ông Từ Văn Thấy về Hà Tĩnh đón cha mẹ về "vương quốc khóm" sinh sống. Nào ngờ, Dự án KCN Tân Phước 1 kéo về, cả 2 cụ bỗng chốc rơi vào tình cảnh đi cũng dở mà ở không xong.

Đất bỏ hoang, ông Thấy phải chật vật đi làm mướn kiếm tiền đong gạo. Hỏi sắp tới có dự định gì hay không, cụ Hoan chỉ biết lắc đầu: "Đất đai quy hoạch rồi, chúng tôi giờ chẳng biết phải đi đâu nữa".

-----------------

Bài 3: “Dâng” đất vàng cho nhà đầu tư Trung Quốc