"Những vụ việc đấu giá từ thiện lùm xùm có ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động từ thiện. Có lúc, chúng tôi phân vân có nên tổ chức đấu giá nữa hay không..." - bà Hà Thị Liên - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam chia sẻ.
Đấu giá ảo ảnh hưởng xấu đến từ thiện
Ủy ban T.Ư MTTQ VN cho biết, trong chương trình "Nối vòng tay lớn" nhằm quyên góp cho Quỹ Vì người nghèo được VTV truyền hình trực tiếp vào tối 31-12 tới đây, 4 nhóm vật phẩm sẽ được đưa ra đấu giá, bao gồm: Trống đồng Thăng Long ngàn năm, 3 quả chuông "Đại hồng Chung Thăng Long Linh tụ", đôi sư tử bằng gỗ nu và Cúp Vì người nghèo bằng hoàng ngọc (ngọc màu vàng).
Chiếc cúp Vì người nghèo bằng ngọc quý sẽ được MTTQ đưa ra đấu giá trong đêm 31-12, với giá khởi điểm 600 triệu đồng. |
Đây là những vật phẩm rất có giá trị, do các tổ chức cá nhân hiến tặng, Ủy ban T.Ư MTTQ VN hy vọng sẽ gây được nguồn kinh phí lớn cho người nghèo.
Tuy nhiên, chia sẻ tại cuộc họp, bà Hà Thị Liên - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN tỏ ra băn khoăn, lo ngại về những vụ việc đấu giá từ thiện rồi người trúng đấu giá cao chạy xa bay, như đợt đấu giá trong đêm thi Hoa hậu Trái Đất để ủng hộ đồng bào miền Trung vào tháng 11 vừa qua (người đấu giá từ thiện các vật phẩm có giá trị đến 47,9 tỷ đồng nhưng sau đó không nộp hoặc nộp thiếu tiền).
"Những vụ việc đấu giá từ thiện lùm xùm có ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động từ thiện của MTTQ. Có lúc chúng tôi phân vân có nên tổ chức đấu giá nữa hay không, đấu giá nhiều vật phẩm hay chỉ một thôi" - bà Liên nói. Tuy nhiên, vì nhiều cá nhân, đơn vị vẫn gửi tặng phẩm để đấu giá, góp cho Quỹ Vì người nghèo, nên MTTQ vẫn quyết tâm thực hiện cuộc đấu giá sắp tới.
Cơ quan quản lý nhà nước phải vào cuộc
Bà Liên cho biết, những vật phẩm được MTTQ đưa ra đấu giá chỉ có giá trị vừa phải, cao nhất là hơn 1 tỷ đồng nên ít khả năng xảy ra hiện tượng người thắng cuộc không nộp tiền. Hơn nữa, những cá nhân, doanh nghiệp tham gia cuộc đấu giá cho Quỹ Vì người nghèo thường là hội viên các cấp của MTTQ nên tên công ty, địa chỉ của các doanh nghiệp này được nắm rất rõ.
Tuy nhiên, nhằm tránh trường hợp các nhà từ thiện lợi dụng việc đấu giá từ thiện để khoa trương thanh thế, lần này VTV và MTTQ đang soạn thảo những quy định cho việc đấu giá. Quy chế này sẽ có những điều khoản ràng buộc người thắng cuộc trong phiên đấu giá phải nộp tiền trong khoảng thời gian nào; thời hạn lấy vật phẩm sau khi đấu giá… Thế nhưng, bà Liên cũng cho biết những quy chế này cũng chỉ là những thỏa thuận mang tính nguyên tắc chứ chưa phải là những hợp đồng kinh tế có giá trị pháp lý thực sự.
Bà Liên đề nghị cần phải tạo hành lang pháp lý cho hoạt động đấu giá từ thiện để tránh các hậu quả đáng tiếc. Muốn thực hiện điều này, phải có sự tham gia của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Hàng loạt vụ “nhà từ thiện” bỏ trốn
Ngoài vụ đấu giá ảo tại đêm hội Hoa hậu Trái Đất có giá trị tiền ảo kỷ lục 47,9 tỷ đồng, còn có hàng loạt vụ việc khác. Tháng 1-2010, trong Ngày hội Nối vòng tay lớn ủng hộ toàn bộ cho Quỹ Vì người nghèo Bình Định diễn ra buổi đấu giá các vật phẩm của ca sĩ, các nhà sưu tập. Nhưng các cá nhân thắng cuộc đấu giá không có hồi âm.
Năm 2004, Công ty cổ phần Tư vấn thương mại dịch vụ địa ốc Hoàng Quân Mê Kông đã trao tượng trưng 6 tỉ đồng để Đài Phát thanh - Truyền hình Vĩnh Long ủng hộ đồng bào nghèo vượt khó và học sinh hiếu học. Tuy nhiên, đến nay công ty mới chuyển được 250 triệu đồng.
Cách đây vài năm, trong một chương trình gây Quỹ Vì người nghèo của tỉnh Hậu Giang , ông T.V.T - chồng của một nữ giám đốc một công ty xuất khẩu thủy sản tại Cần Thơ tuyên bố ủng hộ 3 tỉ đồng, sau đó ông này không nộp đồng nào.
Bảo An
Sỹ Lực