Năm 2010, công bằng mà nói, các nhà máy thủy điện nhỏ được bà con nông dân xếp vào bảng dấu trừ (-). Dấu cộng (+) là những việc làm tốt, có lợi cho dân. Chuyện thủy điện xả lũ thôi không nói nữa. Không xả để vỡ đập, còn gì mà nói ngoài thảm họa?
Dân thì kêu xả lũ chồng lên lũ khiến bà con phải hứng chịu “đại hồng thủy”. Các bác thủy điện có các nhà khoa học hỗ trợ bảo vệ thành công “luận án”: “Thủy điện cũng như thủy lợi, chỉ có lợi” (!). Tỉ số một đều, chưa có trọng tài hay giám khảo nào có ý kiến.
Ban tổ chức hình như cũng thấy cần xem lại việc phát triển thủy điện tràn lan nhiều thành phần. Nhưng các dự án đã duyệt rồi (bút sa gà chết). Các bác nhà điện lúc nào cũng “dọa” thiếu điện. Thời buổi này thiếu gạo ăn mì, thiếu cơm ăn phở, thiếu điện là ngừng tất cả. Nhà máy coi như “chết lâm sàng”...
Tuy không nói vẫn còn chuyện để nói, thậm chí chuyện thê thảm hơn. Không nói chung chung, đại ngôn, quy chụp. Xin kể cụ thể như sau: Thủy điện Bản Vẽ tại xã Yên Na (huyện Tương Dương, Nghệ An) khởi công tháng 8-2004, công suất hơn tỷ kWh/năm. Vốn đầu tư 6.000 tỷ đồng, trong đó có 800 tỷ đồng để xây dựng khu tái định cư cho hơn 2.400 hộ dân dời khỏi lòng hồ tới xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương. Dù phải sang huyện khác lập nghiệp, nhưng vẫn là “quê choa” xứ Nghệ cả, bà con chấp nhận “hy sinh” cho tương lai quê hương, đất nước.
Một ngày cuối tháng 12-2010 đến xã Ngọc Lâm thăm bà con tái định cư sống ra sao trên làng mới - làng của tương lai. Phải gọi là, tương lai vì hiện tại người ta đếm được làng này đang trong diện “5 không”. Thứ nhất là không đường vào. Chiếc cầu treo qua suối bị lũ cuốn trôi từ tháng 10 đến nay. Mấy cây cầu ở Ngọc Hồi, Kon Tum báo đài đã có công bắc lại nhịp cầu. Còn cầu Ngọc Lâm học trò vẫn phải nghỉ học những ngày mưa lớn, nước suối chảy như... xả lũ.
Thứ hai, khi vào đến bản Kim Hồng, nơi 102 hộ với 450 nhân khẩu dọn đến từ tháng 5-2005 đến nay vẫn không có nước sạch. Có 6 bể nước nhưng không có nước, phải lấy nước ở một “giếng” đào. Bản mới không có nhà vệ sinh, trời mưa, phân rác chảy xuống đầy “giếng” (thực chất là ao).
Cái không thứ ba là như thế. Không thứ tư là không trường, trẻ em phải học xa, mưa nghỉ, nói rồi. Phải có cái không thứ năm cho đủ “ngũ hành không” là không có ruộng để sản xuất. Vườn toàn sỏi đá không trồng trọt được gì. Gạo hỗ trợ di dân trong 4 năm, mỗi năm 4 tháng mà đã hết năm 2010 rồi vẫn chưa có một hạt.
Với “ngũ hành không” như vậy bản làng xơ xác, dân ly tán về quê cũ trồng trọt, lên rừng đào củ mài, ăn sắn thay cơm, bỏ bản đi cầu thực, tình cảnh đáng thương thay! Ai bảo thủy điện là sướng?
Lý Lão Làng