Dân Việt

Thực hiện cánh đồng mẫu lớn: Doanh nghiệp, người dân còn e dè

19/07/2012 09:15 GMT+7
(Dân Việt) - Ngày 18.7, tại Hội thảo về cánh đồng mẫu lớn (CĐML) do Tạp chí Kinh tế và Dự báo phối hợp với Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) tổ chức, các đại biểu đều chung ý kiến: Việc triển khai ở các địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Bước đầu đạt hiệu quả

Đại diện Công ty CP Phân bón và Hóa chất Dầu khí Tây Nam Bộ cho biết, vụ đông xuân 2011-2012 vừa qua đã triển khai mô hình CĐML tại xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ (TP. Cần Thơ) với diện tích 429ha. Với việc liên kết 4 nhà, kiểm soát được vật tư đầu vào và xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định nên năng suất lúa tăng từ 7.300 lên 7.500 tấn/ha. Giá bán lúa ở CĐML cũng tăng thêm từ 100 -200 đồng/kg, lợi nhuận của nông dân tham gia CĐML tăng hơn những hộ không tham gia từ 1,5 - 2 triệu đồng/ha.

img
Thu hoạch lúa hè thu tại huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang.

Hiện nay, các mô hình CĐML chủ yếu vẫn là sản xuất lúa như ở Long An có Chương trình lúa chất lượng cao đạt 1.000ha vụ đông xuân 2010-2011; Đồng Tháp xây dựng được 10 mô hình, tổng diện tích 1.519ha; An Giang xây dựng vùng nguyên liệu 1.000ha tại huyện Châu Thành; Hậu Giang thực hiện mô hình cánh đồng “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” được 9 điểm với 279 lượt người dự, diện tích từ 30-40ha/điểm… Theo thống kê của Cục Trồng trọt, diện tích thực hiện CĐML trong vụ đông xuân 2011 – 2012 là 19.724 ha với 12/13 tỉnh thành của ĐBSCL và Tây Ninh tổ chức thức hiện.

Theo bà Hồ Thị Kim Thoa – Thứ trưởng Bộ Công Thương, thực hiện Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương triển khai mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp cho 12 tỉnh trên toàn quốc. Qua kiểm tra 7 tỉnh, lợi nhuận tăng 5- 10%. Nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ về giống, kỹ thuật canh tác, được đi học hỏi kinh nghiệm những tỉnh khác...

Sản xuất vẫn manh mún

Tuy nhiên, ở hầu hết các địa phương đều gặp nhiều khó khăn do quy mô sản xuất còn manh mún. Theo ông Phạm Đồng Quảng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), phần lớn các hộ nông dân trồng lúa có diện tích nhỏ, đặc biệt ở các tỉnh phía Bắc diện tính manh mún, sản xuất lúa theo hướng tự cung, tự cấp quy mô nhỏ lẻ, chưa có hướng sản xuất lúa hàng hóa theo quy mô lớn.

Mặt khác, sản xuất lúa không có tính kế hoạch cao, thường theo tập quán thị hiếu của người tiêu dùng nên khả năng đáp ứng được thị trường xuất khẩu gạo lớn là rất khó khăn. Các doanh nghiệp cũng chưa mạnh dạn đầu tư, thu mua, chế biến và tiêu thụ lúa gạo, ảnh hưởng tới chuỗi giá trị hàng hóa của hệ thống sản xuất lúa gạo, đặc biệt ở các tỉnh phía Bắc, các doanh nghiệp thu mua, chế biến và tiêu thụ lúa gạo chưa nhiều. Hiện mối liên kết 4 nhà chưa được chặt chẽ do còn thiếu doanh nghiệp tham gia vào việc tiêu thụ sản phẩm.

Thứ trưởng Bộ KHĐT Đào Quang Thu cho biết, hàng năm chúng ta xuất khẩu gạo trên 3 tỷ USD nhưng nhìn chung, quy mô ruộng đất còn manh mún, năng lực cạnh tranh trên thị trường còn yếu, rủi ro cao. CĐML được coi là giải pháp lâu dài góp phần tái cơ cấu nhằm nâng cao giá trị ngành nông nghiệp.

Ông Đoàn Ngọc Phả - Phó Giám đốc Sở NNPTNT An Giang đề xuất, để giúp các địa phương phát triển vững chắc các CĐML và vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao, đề nghị Bộ NNPTNT sớm có chương trình xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia lúa gạo, gắn với tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm VietGAP, Global GAP… và có chính sách thu hút doanh nghiệp tham gia. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng để nâng cấp địa bàn có mô hình liên kết thành những CĐML như: Thủy lợi, giao thông nội đồng, lưới điện cho tưới tiêu, chính sách cho cụm sấy lúa công suất lớn (làm vệ tinh cho DN thu mua lúa tươi tại đồng).

Nhiều ý kiến đề nghị các doanh nghiệp cần quan tâm phối hợp với ngành nông nghiệp xây dựng CĐML và vùng nguyên liệu theo phương thức sản xuất theo hợp đồng để chủ động nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng và phát huy hiệu quả cụm kho- nhà máy xay xát; tích cực tham gia chương trình 1 phải 5 giảm trên cánh đồng nguyên liệu...