Tuy nhiên, nông dân Cao Bằng cũng có những lợi thế mà các địa phương khác không có và hoàn toàn có thể xóa nghèo, vươn lên làm giàu từ chính những lợi thế đặc thù này. Ông Hoàng Thái - Giám đốc Sở NNPTNT Cao Bằng nói như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên NTNN.
Lạc giống trồng tại vùng khí hậu mát mẻ của Cao Bằng đạt năng suất cao. |
Hạn hán - bài toán khó giải
Sơ kết tình hình sản xuất 6 tháng đầu năm 2012 cho thấy, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp của Cao Bằng chỉ đạt 3%, thấp hơn kế hoạch tăng trưởng 5% đề ra. Nguyên nhân là gì, thưa ông?
- Nguyên nhân chính là những tháng đầu năm 2012 hạn hán diễn ra trên diện rộng nên ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Thực tế 2 năm gần đây cho thấy, các hồ chứa của Cao Bằng chưa bao giờ đầy nước mà chủ yếu ở mực nước chết. Chúng tôi đã khắc phục bằng việc dùng máy bơm để tưới. Tuy nhiên, biện pháp hiệu quả nhất vẫn là chuyển đổi giống cây trồng, chuyển từ lúa sang các cây trồng khác. Nhìn chung, đời sống nông dân Cao Bằng còn khó khăn nhưng không bị rơi vào thiếu đói. Sản lượng lương thực năm nay vẫn đạt kế hoạch, bình quân lương thực đầu người đạt 470kg/người/năm, cao hơn so với một số địa phương khác.
Hiện Cao Bằng đảm bảo tỷ lệ tưới chắc cho bao nhiêu diện tích?
- Hệ thống thủy lợi của Cao Bằng chỉ đảm bảo tưới chắc cho 40% diện tích lúa nước, còn những cây trồng cạn như ngô, đậu đỗ thì không có khả năng tưới, hoàn toàn trông vào nước trời. Thực tế, địa hình đồi dốc, núi non của Cao Bằng không thể làm được các công trình thủy lợi cho tất cả diện tích trồng trọt.
Câu chuyện đậu xanh và lạc giống
Ông vừa nói đến việc chuyển đổi giống cây trồng để khắc phục tình trạng hạn hán. Vậy Cao Bằng ưu tiên lựa chọn những cây gì?
Ông Hoàng Thái - Giám đốc Sở NNPTNT Cao Bằng |
- Hiện nay, chúng tôi đang thực hiện chương trình nâng cao thu nhập trên đất nương rẫy. Đất nương rẫy chiếm đến 60% đất nông nghiệp của Cao Bằng, liên quan đến đồng bào dân tộc ít người, đến người nghèo, đến vùng sâu, vùng xa và vùng biên giới nên vực dậy được năng suất cây trồng và thu nhập cho người dân tại đây là rất quan trọng.
Thống kê năm 2010 cho thấy, thu nhập bình quân ở Cao Bằng là 20 triệu đồng/ha/năm. Có nghĩa là, người dân ở khu vực vùng sâu, vùng xa... sống dưới 20 triệu đồng/năm. Giải pháp chúng tôi chọn vẫn là chuyển đổi giống cây trồng, cơ cấu lại mùa vụ. Ví dụ, vụ xuân thì tập trung là lúa, còn vụ hè thu thì tập trung đưa cây chịu hạn vào. Trước đây, diện tích bỏ không trong vụ hè thu lên đến hàng vạn ha...
Với cây chống hạn, Cao Bằng có phát triển được loại cây nào ngoài cây ngô?
- Với đồng đất Cao Bằng, chúng tôi phải đưa những cây trồng có khả năng chịu hạn cao, chứ không chỉ đơn thuần là những cây trồng chịu hạn thông thường. Ngoài các giống ngô chịu hạn như VN 8960, Bioseed 9698, chúng tôi đưa nhiều cây trồng khác như đậu tương DVN5, DVN 14. Các giống đỗ xanh VN 93-3, ĐX6 cũng là những giống chịu hạn tốt.
Năm 2011, chúng tôi đưa vào trồng 50ha đỗ xanh. Loại cây này chịu hạn tốt, cho năng suất 1-2 tấn/ha. Trong khi đó, giá trị đỗ xanh cao gấp đôi đỗ tương, khoảng 35 triệu đồng/tấn. Như vậy cộng với một vụ ngô, giá trị thu nhập được nâng lên trên 50 triệu đồng/ha/năm. Nhiều viện nghiên cứu về nông nghiệp đánh giá cao cách làm này. Năm 2012, chúng tôi sẽ nhân rộng, đến năm 2015 nâng diện tích đậu, đỗ lên 14.000-15.000ha. Nếu trên đất đồi dốc, chỉ trồng ngô thì sinh khối của đất sẽ kém đi rất nhanh, trồng đỗ sẽ góp phần cải tạo đất.
Kế hoạch tận dụng lợi thế đặc thù của Cao Bằng trong phát triển nông nghiệp là gì, thưa ông?
- Cao Bằng không thể làm lúa có năng suất cao như các tỉnh vì đất đồi dốc. Nhưng bù lại nhiều khu vực ở Cao Bằng có ruộng ở độ cao từ 800 – 1.200m so với mực nước biển, có khí hậu mát mẻ. Vì vậy, chúng tôi tận dụng để trồng giống lúa chất lượng cao phù hợp với vùng đất này là giống lúa DH1. Kết quả đã đạt năng suất 7,5 tấn/ha tại huyện Thông Nông mà không phải dùng thuốc trừ sâu. Gạo này bán được giá cao gấp đôi gạo thường và đã xuất khẩu sang được Nhật Bản.
Một cây nữa do tôi góp phần đưa vào và đã được Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ là cây lạc. Mỗi năm Việt Nam có khoảng 250.000ha lạc, chủ yếu là lạc xuân. Tuy nhiên, giống tốt cho lạc vụ xuân cực kỳ khan hiếm. Khi làm Giám đốc Công ty Giống cây trồng Cao Bằng, tôi cho triển khai trồng lạc ở những vùng có khí hậu mát mẻ, trồng từ tháng 7 đến tháng 11 âm lịch là cho thu hoạch. Lúc chúng tôi có lạc thì chưa nơi nào có; vì thế, chúng tôi có lạc giống để bán. Hiện nông dân Cao Bằng cung cấp giống lạc cho Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Với cách làm giống thông thường, lạc để trong kho lạnh từ năm trước sang năm sau rất tốn kém nhưng khả năng nảy mầm lại không cao. Bộ NNPTNT đặt ra tiêu chuẩn tỷ lệ nảy mầm của giống lạc tối thiểu là 70% nhưng lạc của Cao Bằng có thể đạt tỷ lệ nảy mầm đến 100% và sức nảy mầm rất mạnh. Hiện nay, diện tích lạc giống của Cao Bằng khoảng 900ha, mỗi năm xuất bán từ 500 - 1.000 tấn. Lạc giống được bán với giá 30.000 đồng/kg, bình thường lạc thương phẩm khoảng 20.000/kg.
Giữ định hướng nông nghiệp hàng hóa
Trong chiến lược phát triển nông nghiệp của Cao Bằng có đặt ra việc hình thành các vùng nông nghiệp hàng hóa. Hiện kết quả của các vùng nông nghiệp hàng hóa này thế nào?
- Đây chính là chiến lược của tỉnh được đặt ra từ nhiều năm nay và Bộ NNPTNT rất khuyến khích. Thành tựu lớn nhất của nông nghiệp hàng hóa Cao Bằng là vùng cây thuốc lá với diện tích khoảng 35.000ha, mỗi năm cung cấp cho các nhà máy khoảng trên 6.000 tấn. Thu nhập của vùng trồng thuốc lá là trên 100 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra còn có các cây trồng khác như mía với diện tích 3.200ha, sản lượng 150.000 tấn, tập trung các huyện Phục Hoà, Quảng Uyên, Thạch An, Hạ Lang. Giá trị sản xuất khu vực này đạt trên 50 triệu đồng/ha/năm. Cây trúc sào với diện tích 3.200ha tại các huyện Nguyên Bình, Bảo Lạc, mỗi năm cung cấp cho thị trường trên 1,5 triệu cây. Cây hồi có diện tích trồng 5.000ha tại Thạch An và Trà Lĩnh, Bảo Lạc với sản lượng hoa hồi hàng năm là 2.300 tấn.
Cao Bằng còn vướng mắc những điểm gì để có được một nền nông nghiệp quy mô lớn?
- Cao Bằng là vùng đất biên giới nên cư dân vùng này phải hứng chịu hậu quả đầu tiên và cuối cùng của chiến tranh. Vì vậy, người dân có thói quen là cái gì cũng sản xuất một chút để đảm bảo cuộc sống. Trong khi đó, sản xuất hàng hóa là cái gì có lợi thế, hiệu quả kinh tế cao mới làm. Đây không chỉ là trở ngại từ phía người dân mà ngay cả các nhà quản lý cũng chưa vượt qua được. Để thay đổi được điều này cần có công tác tuyên truyền và không thể làm một sớm một chiều được.
Trở ngại nữa là nông dân Cao Bằng còn nghèo, vì vậy cần nhiều doanh nghiệp nông nghiệp đầu tư vào nông nghiệp Cao Bằng. Các cấp chính quyền cũng cần tạo ra các hành lang pháp lý để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư.
Xin cảm ơn ông!
Hồ Sỹ Lực (thực hiện)