Tả Thanh Oai là địa phương ít chịu ảnh hưởng của việc thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế xã hội nên thu nhập chính của bà còn vẫn trông vào cây lúa và rau màu. Vài năm trở lại đây, thú chơi cây cảnh du nhập về Tả Thanh Oai và trở thành một trong những nghề mới cho thu nhập cao của địa phương.
Vườn cây cảnh của ông Lê Văn Đoàn. |
Nghề có thu nhập cao
Ông Lê Đình Quang - Phó Chủ tịch Hội ND xã Tả Thanh Oai cho biết: "Trước đây, bà con trong xã chủ yếu trồng lúa và chăn nuôi, nhà nào có điều kiện thì trồng ít cây cảnh để chơi. Thấy hiệu quả kinh tế từ cây cảnh đem lại khá cao, bà con đã chủ động học trồng cây cảnh. Hiện toàn xã có trên 100 hộ trồng cây cảnh".
Ông Lê Văn Đoàn (thôn Siêu Quần) chia sẻ: “Tôi mê cây cảnh từ nhỏ. Sau này thấy trồng cây cảnh có lãi lớn, tôi đầu tư làm cây cảnh. Hiện gia đình tôi có hơn 2.000m2 trồng hoa, cây cảnh”. Theo ông Đoàn, cái khó nhất của nghề trồng cây cảnh là tạo gốc. Thông thường cây phôi ở dưới đất 3 tháng phải kéo rễ lên để tạo cho cây có bộ gốc đẹp, sau đó mới đến khâu chăm sóc, tạo dáng.
Sau khi khảo sát nhu cầu của bà con, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ việc làm thành phố đã phối hợp với Hội ND, Hội Cựu chiến binh huyện Thanh Trì tổ chức lớp học nghề trồng và chăm sóc hoa, cây cảnh cho 35 học viên xã Tả Thanh Oai. Sau 3 tháng, kết thúc khóa học, nhiều học viên đã tự tin đầu tư làm mô hình trang trại kết hợp chăn nuôi, trồng cây cảnh, nhờ đó tăng thêm thu nhập mỗi năm từ 50 - 60 triệu đồng/hộ.
Anh Nguyễn Văn Phong, học viên tham gia lớp học trồng và chăm sóc hoa, cây cảnh tâm sự: "Gia đình tôi có 4 người, thu nhập chủ yếu từ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Sau khi tham gia lớp học nghề trồng hoa, cây cảnh, tôi quyết định đầu tư vào lĩnh vực mới. Ban đầu tôi chỉ mua những cây gần hoàn thiện rồi về chăm sóc, được khách thì bán, không thì để trang trí trong nhà. Phong trào chơi cây cảnh nở rộ, khách thập phương đến mua ngày một nhiều nên nguồn thu của gia đình tôi được cải thiện rõ rệt”.
Hỗ trợ học viên sau học nghề
Học nghề xong làm được nghề không phải học viên nào cũng thực hiện được. Anh Phong cho biết: Hiện nay địa phương anh rất nhiều gia đình có vườn sinh vật cảnh. Lớp học trong 3 tháng cũng chưa thể giúp bà con có kỹ năng tốt làm nghề. Bởi nghề trồng hoa, cây cảnh rất khó, cần nhiều thời gian cũng như trình độ và thẩm mỹ của từng người.
Anh Nguyễn Văn Phong
Theo anh Phong, để học viên học nghề xong bám trụ được với nghề cần hỗ trợ bà con sau học nghề: “Muốn phát triển nghề ND cần có một số vốn nhất định. Chúng tôi rất mong được vay vốn ưu đãi và được tham gia các lớp tập tuấn nâng cao tay nghề thường xuyên để có thêm kỹ năng”.
Bà Đinh Thị Thủy - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ việc làm - Hội ND TP. Hà Nội cho biết: "Để giúp ND tháo gỡ những khó khăn này, khóa học kết thúc, định kỳ trung tâm cử cán bộ, giáo viên về địa phương kiểm tra, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật mới cho bà con, giúp bà con có thể "sống khỏe" với nghề”.
Ngô Xuân