Dân Việt

V-League 2011: Cuộc chiến "ngân hàng"

26/12/2010 06:28 GMT+7
(Dân Việt) - Qua thời "Gỗ, Gạch" và gạch nối mang tên Becamex Bình Dương thay nhau thống trị V.League, kể từ khi SHB.Đà Nẵng lên ngôi năm 2009, dường như thời cuộc đang thuộc về "thế giới ngân hàng".

Sức mạnh đồng tiền

Nếu như những năm 2003-2008, bầu Đức, bầu Thắng tiếng nổi như cồn trong làng bóng đá VN khi dốc hầu bao mang về những tên tuổi có "số má" Kiatisuk, Dusit, Tawan (HAGL), Minh Phương, Tài Em, Việt Thắng (ĐTLA), thì đến nay, các ngôi sao cả nội và ngoại binh cứ lần lượt đổ về ..."ngân hàng".

img
T&T Hà Nội sẽ gặp nhiều khó khăn trong hành trình bảo vệ ngôi vô địch.

Bắt đầu từ danh hiệu vô địch V.League 2009 của SHB. Đà Nẵng, danh tiếng của bầu Hiển cùng với Ngân hàng SHB đã không còn xa lạ với người hâm mộ. Thời điểm đó, đội hình đồng đều với những tuyển thủ như: Quốc Anh, Hải Lâm, Phước Vĩnh, Thanh Phúc... và những ngoại binh có chất lượng: Almeida, Merlo, đặt dưới trướng HLV Lê Huỳnh Đức gần như bất khả chiến bại với lối chơi tấn công quyến rũ. Túi tiền không đáy của bầu Hiển cứ đổ ra không ngớt cùng với những chiến thắng của SHB.Đà Nẵng. Cuối mùa, SHB. Đà Nẵng đã nhận khoảng 10 tỷ đồng tiền thưởng cho danh hiệu vô địch.

Chưa hết, nếu không phải bầu Hiển có lẽ Hà Nội T&T khó tránh khỏi "dớp" đội sổ lượt đi chắc chắn xuống hạng cuối mùa, chứ đừng nói đến chuyện bứt phá mạnh mẽ để cập bến ở vị trí thứ 4 V.League 2009. Trong chừng mực nhất định, chính "cái nền" đó đã giúp đồng tiền của bầu Hiển tiếp tục phát huy tác dụng trong hành trình cùng Hà Nội T&T vô địch V.League 2010.

Nói cách khác, ở V.League hiện nay, có tiền chưa chắc đã vô địch (như trường hợp của XM.Hải Phòng, V.Ninh Bình), nhưng không có tiền thì chắc chắn "đứt" (M.Nam Định chấp nhận xuống hạng sau V.League 2010).

Navibank.SG khao khát khẳng định

Không phải ngẫu nhiên mà sau khi "hút chết" ở mùa giải năm ngoái, Naviabank.SG đã nhanh chóng lên kế hoạch chiêu binh. Chính Navibank.SG là người hăng hái dốc hầu bao nhất trên thị trường chuyển nhượng thời gian qua. Những điểm sáng: Hoàng Vương, Anh Tuấn, Văn Phong, Trường Giang, Tài Em, Được Em, Quang Hải, Almeida (cựu vua phá lưới V.League 2007, 2008 của SHB.Đà Nẵng), Endene (cựu tiền đạo của Thể Công, T&T, HP.Hà Nội)... đã hội quân dưới sự dẫn dắt của HLV Mai Đức Chung: "Lực lượng năm nay khá ổn, và đương nhiên mục tiêu của đội không chỉ là trụ hạng. Một vị trí ở nửa trên bảng tổng sắp là điều mà chúng tôi hướng tới, trước khi nghĩ xa hơn" - ông Chung nói.

Lời phát biểu ấy xem ra rất khiêm tốn, và cũng cần thiết phải khiêm tốn nếu Navibank.SG muốn làm nên một "cú sốc" ở V.League 2011, cho xứng với sự đầu tư của họ. Người từng trải như ông Chung hiểu rõ chuyện "thần khẩu hại xác phàm" vẫn thường linh ứng ở bóng đá VN. Ngay như HLV Thanh Hùng (Hà Nội T&T) mới đây khi được hỏi về mơ ước trong đêm Giáng sinh cũng không dám thể hiện sự tự tin cùng đội bóng Thủ đô bảo vệ danh hiệu vô địch.

Còn SHB.Đà Nẵng cũng chẳng ồn ào trong những toan tính trở lại ngôi vương với 2 sự tăng cường trên hàng công: Ngọc Thanh (XM.Hải Phòng), Minh Phương (ĐTLA). Tất cả đều đầy tham vọng nhưng lại khá e dè trong cách thể hiện. Như Ngân hàng ACB (Hà Nội ACB) của bầu Kiên nổi tiếng giàu có sau những năm ngụp lặn ở giải hạng Nhất vẫn khá kín tiếng. Nhưng tin là khi V.League 2011 khởi tranh, cuộc chiến "ngân hàng" sẽ là một trong những điểm nhấn thú vị nhất trong mùa giải chuyên nghiệp đầu tiên sau 10 năm thử nghiệm. Đơn giản, đó không đơn thuần là bóng đá, mà còn là cuộc chiến thương hiệu nữa.

Theo thông báo của VFF gửi HAGL, thì HAGL không được phép đặt logo và bảng quảng cáo trên sân do "đụng hàng" với nhà tài trợ độc quyền của V.League là Eximbank. Điều này đã khiến HAGL (phải hoãn ký hợp đồng với VP Bank), Bình Dương (Maritime Bank tài trợ) phản ứng.