Dân Việt

Nữ tài xế hất CSGT lên nóc capo là trụ cột chính của gia đình

22/07/2012 13:10 GMT+7
"Chồng không nghề nghiệp và sức khỏe yếu nên Xiêm là trụ cột chính về kinh tế. Giờ cô ấy như vậy, ba đứa nhỏ có thể sẽ phải nghỉ học mất..."

Trưa 20.7, anh Nguyễn Trọng Công (35 tuổi, ở xã Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội) cùng anh trai ra thăm vợ là Nguyễn Thị Xiêm đang bị công an quận Hà Đông tạm giữ vì hất cảnh sát lên capô. Không gặp được vợ, anh Công buồn rầu lẳng lặng dắt ba đứa con sàn sàn bằng nhau vừa đi học về vào nhà. Căn nhà nhỏ lát gạch đỏ lồi lõm chỉ có chiếc tủ, bộ bàn ghế và chiếc giường. Ở góc nhà, vài bao thóc của người em họ chị Xiêm gửi nhờ được chất lên nhau.

Người đàn ông có khuôn mặt hiền lành ngồi thu mình một góc trên ghế chỉ biết khóc khi nhắc tới vợ. Trên tay, chân và khuôn mặt anh Công, những mảng da trắng đen loang lổ lẫn vào nhau. Căn bệnh về da khiến vợ chồng anh tốn nhiều công sức và tiền bạc để chữa trị nhưng không khỏi.

img
Từ hôm vợ bị giam, anh Công cùng ba đứa con đi ăn nhờ ở nhà người anh cả.

Học hết lớp 2, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh nghỉ học ở nhà đi mò cua, bắt ốc và làm thuê mướn với mẹ. Nghỉ học sớm nên giờ anh không biết đọc, viết hay tính toán. Anh hầu như không thể làm được việc nhà hay đồng áng vì sức khỏe yếu. Mỗi lần ra nắng hoặc vào bếp nấu cơm, da anh lại phổng rộp và rát. Bởi vậy, mọi công việc lo toan trong gia đình, anh đều nhờ cậy ở vợ.

Ít tiếp xúc với người ngoài, lại không biết ăn nói nên mỗi lần anh đi đâu, gia đình chị Xiêm đều phải cử người chở đi cùng. Để đỡ đần vợ, gần đây anh xin đi đánh giấy giáp cho xưởng thủ công ở gần nhà. Mỗi ngày, anh được trả vài chục nghìn tiền công.

Là người cùng làng, anh Công và chị Xiêm đến với nhau vì đồng cảnh ngộ. Sinh ra trong gia đình có 5 người con, chị Xiêm sớm mất mẹ còn anh Công lại mồ côi bố từ khi mới 7 tháng tuổi. Học xong cấp hai, chị Xiêm lấy chồng và được họ hàng giúp dựng tạm căn nhà ngói. Hai người sống bằng nghề nông, thỉnh thoảng làm thêm mây tre đan. Chồng ốm yếu, ba con còn nhỏ lại thêm mẹ chồng hay bệnh tật, gánh nặng đổ dồn lên vai chị Xiêm.

Ngồi lặng lẽ cạnh con trai, bà Nguyễn Thị Phượng (65 tuổi) thỉnh thoảng lại lau nước mắt khi nhắc tới hoàn cảnh nghèo đói của vợ chồng Công - Xiêm. Hay ốm đau nên bà Phượng chẳng làm gì ra tiền, chỉ quanh quẩn ở nhà trông cháu. Trước đây bà ở với vợ chồng chị Xiêm nhưng thấy con dâu nặng gánh, bà lại sang sống cùng người con trai cả.

Bà Phượng cho hay, trước khi chị Xiêm lái taxi, gia đình nhỏ ấy được xếp vào diện hộ nghèo, từng phải ăn cháo triền miên. Sau thời gian làm ở khu công nghiệp gần nhà với mức lương thấp và vất vả, năm 2001 chị Xiêm xin nghỉ và vay tiền đi học lái xe để làm tài xế taxi. Từ ngày lái xe, chị dần trả được bớt nợ, sửa sang căn bếp và công trình phụ. Thoát khỏi diện hộ nghèo chưa bao lâu, chị gặp sự cố hất công an lên capô hôm 17.7.

Theo bà Phượng, chị Xiêm "tính đàn ông" nhưng biết kính trên nhường dưới, chịu khó làm lụng. Hai vợ chồng chưa to tiếng với nhau hay xích mích với làng xóm bao giờ. Hướng ánh mắt về phía con trai "không biết nói chuyện", bà chia sẻ: "Nó khóc suốt và chẳng nói được câu gì cho ra hồn. Ở nhà vợ bảo sao nghe vậy, mọi công việc trong gia đình hay kinh tế đều do Xiêm lo liệu", bà Phượng nói.

Người mẹ chồng cho biết thêm, hôm biết tin vợ bị cảnh sát giữ, anh Công lo sợ nhưng chẳng biết phải làm sao. Hỏi sự việc, người đàn ông nói chỉ nghe kể lại rằng vợ mải về đón con đi học thêm nên lúc bị công an ra hiệu dừng xe, chị đã nhấn ga lao đi và tông vào người thi hành công vụ. Đêm hôm trước chị đi làm tới 2h sáng mới về, còn buổi sáng anh dậy sớm vì đi làm trước vợ.

"Xiêm chẳng bao giờ tâm sự về công việc vất vả vì sợ chồng lo. Sáng hôm đó, cô ấy kêu mệt và bảo để ngủ thêm. Vậy mà buổi chiều tôi được báo là vợ đang bị công an giữ", anh Công nhớ lại.

img
Từ ngày đi lái taxi, gia đình chị Xiêm thoát khỏi hộ nghèo và lo được cho các con đi học.

Đi xe không vững lại chẳng biết nói năng, trình bày nên anh Công phải nhờ các anh đi cùng. Hôm đầu ra thăm nhưng không được gặp, anh Công nhờ gửi cho vợ bộ quần áo. Chẳng mua thêm được gì, người chồng chỉ đủ tiền mua cho vợ suất cơm. Mấy hôm nay anh chẳng còn tâm trí nào nấu cơm hay ăn uống. Nhà cũng không còn gạo, ba bố con lên ăn nhờ nhà anh cả ở sát đó.

"Hôm qua, có người họ hàng đến thăm và cho bọn trẻ 50.000 đồng. Sáng nay, Công dành một nửa mua bánh mỳ cho con, nửa còn lại cầm lên thăm vợ. Trưa nay, ba đứa nhỏ ăn bánh mì thôi, đợi đến tối mới ăn cơm", bà Phượng kể.

Trong lúc bà và bố tiếp khách, ba đứa trẻ hồn nhiên nô đùa trong nhà. Mỗi khi có ai hỏi mẹ đâu, chúng chỉ bảo: "Cháu biết nhưng cháu không nói đâu". Bà Phượng bảo, nhớ mẹ nhưng bọn trẻ tủi thân và không dám hỏi.

"Gia đình chúng tôi chỉ có nguyện vọng xin được giảm hình phạt cho Xiêm. Có tội thì phải chịu nhưng cũng mong các cơ quan xét đến hoàn cảnh nhà cháu. Giờ Xiêm ngồi tù, chồng con nó biết sống làm sao", bà Phượng nghẹn ngào.

Ông Trần Văn Cửu, Trưởng thôn Phú Vinh (xã Phú Nghĩa), bất ngờ khi biết tin chị Xiêm hất công an lên capô. "Tôi nghĩ đó chỉ là hành động bột phát của Xiêm trong lúc hoảng loạn bởi hàng ngày cô ấy sống với bà con hàng xóm rất tốt. Chồng không nghề nghiệp và sức khỏe yếu nên Xiêm là trụ cột chính về kinh tế. Giờ cô ấy như vậy, ba đứa nhỏ có thể sẽ phải nghỉ học mất", ông Cửu nói.

Rồi ông Cửu cho biết thêm, thôn đã họp bàn để có giải pháp giúp đỡ gia đình chị Xiêm, nhưng mọi người rất lo lắng khi anh Công không thể lo được cho các con. "Bà con chúng tôi hy vọng, Xiêm sẽ được giảm nhẹ tội để về chăm chồng, nuôi con", ông Trưởng thôn bày tỏ mong mỏi.

Theo Vnexpress