Dân Việt

Cù lao Tân Phong giỗ Bác

03/09/2010 08:27 GMT+7
(Dân Việt) - Hơn 20 năm qua, một lão nông sống trên cù lao Tân Phong nằm giữa sông Tiền, Cái Bè, Tiền Giang đã lập đền thờ và cùng dân làng tổ chức lễ giỗ Bác Hồ.

Ông là Trần Thanh Bình (86 tuổi), lão thành cách mạng - nguyên cán bộ Nông hội tỉnh Tiền Giang.

Đất Cù Lao thờ Bác

Ông Bình nhớ lại, ông theo thanh niên Tiền Phong cướp chính quyền ở xã ngay thời điểm Cách mạng Tháng Tám bùng lên ở Vĩnh Long. Năm 1955, Huyện uỷ Chợ Lách điều ông về làm Bí thư xã. Khí thế Đồng Khởi Bến Tre ngút trời, lan đến Tân Phong, lực lượng chính trị của ta nổi dậy tấn công tề xã, ông ra hoạt động công khai, chỉ huy đấu tranh.

img
Lão nông Trần Thanh Bình trước gác thờ Bác ở cù lao Tân Phong.

Cuối năm 1960, ông Bình bị giặc bắt đưa về Vĩnh Long rồi vào Chí Hoà. Giữa 1964, Tướng Nguyễn Khánh lên nắm quyền ở Sài Gòn, thả tù chính trị. Ra tù, ông về Tân Phong làm Bí thư xã, tiếp tục chiến đấu. Sau cuộc tổng tiến công Mậu Thân 1968, ông rút về Đồng Tháp Mười hoạt động, rồi về Nông hội tỉnh Tiền Giang, đến năm 1979 thì về hưu.

Gác thờ Bác Hồ được ông Bình gom góp tiền lương hưu để xây dựng. Gác được xây dựng 2 tầng, diện tích mỗi tầng khoảng 20m2, nằm sát căn nhà nhỏ đơn sơ của ông. Tầng trên, ông Tám dùng làm nơi thờ Bác Hồ và hai cụ thân sinh của Bác, cũng là nơi trưng bày, lưu giữ nhiều hình ảnh, sách, hiện vật về Bác Hồ. Tầng dưới dùng làm nơi tiếp khách.

Như bao người dân ở cù lao Tân Phong, ông Bình cũng thờ Bác trên bàn thờ gia tiên suốt mấy chục năm qua. Tuy nhiên, trong lòng ông lúc nào cũng thôi thúc ý nghĩ phải làm cho được một nơi thờ Bác thật trang trọng và riêng biệt để con cháu và bà con lối xóm có nơi thờ chung.

Sau khi nghỉ hưu, ông Bình bắt đầu dành dụm lương hưu rồi viết thư “xin” Huyện ủy được xây gác thờ Bác. Ông nghĩ, làm nơi thờ Bác trên cao vừa là sự trang trọng, vừa có thể đề phòng lũ lụt, nước dâng cao… Chờ hoài không thấy Huyện ủy cho phép, ông Bình viết thư lần 2.

Lần này, Bí thư Huyện ủy cho xe xuống mời ông lên huyện nói chuyện. Bí thư Huyện ủy nói “cho” thì không dám, vì từ trước tới nay chưa có tiền lệ... Cuối buổi nói chuyện, Bí thư Huyện uỷ cho biết, lãnh đạo huyện rất hoan nghênh tấm lòng của ông và bà con đối với Bác, tuy không dám “cho” nhưng cũng không cấm tình cảm và tấm lòng của nhân dân với Bác.

Ông Bình trở về cù lao bàn với những lão nông có uy tín trong trong ấp. Ai cũng vui mừng biểu quyết, ông liền báo cáo với cấp uỷ xã Tân Phong, trước khi cùng các cụ phụ lão lập gác thờ Bác ngay tại nhà mình. Gác thờ được "khánh thành" đúng vào dịp 2-9-1989. Ông Tám Bình cùng các cụ cao niên tổ chức lễ giỗ Bác trang trọng, nhưng gọn nhẹ. Không ngờ, bà con trong ấp biết chuyện, họ rủ nhau kéo tới nhà ông đông nghịt. Trước hàng trăm người, ông Tám trịnh trọng ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ, rồi lấy Di chúc của Bác đọc. Từ đó đến nay, cứ đến dịp 2-9, người dân trên cù lao lại tập trung về nhà ông Tám làm giỗ Bác.

Ông Tám không muốn bà con cúng heo, gà tốn kém, không phù hợp với phong cách giản dị, tiết kiệm của Bác Hồ. Ông đề nghị bà con đến như đi dự giỗ của cha mình, chỉ cần tấm lòng thôi cũng quý... Thế nhưng, những bậc cao niên trong xã cho rằng có được cuộc sống ấm no như hôm nay là nhờ ơn Bác.

Giỗ Bác cũng như giỗ cha, phải tổ chức cho đúng truyền thống, cúng heo, gà cũng là để cho bà con chung vui trong ngày nhớ Bác. Hơn nữa, heo gà dù đầy mâm cũng là sản vật “cây nhà lá vườn”, không phải tốn tiền mua. Nhìn con cháu ấm no, chắc anh linh Bác sẽ không quở phạt. Ý dân là vậy, nên ông Bình đành nghe theo.

Ngôi nhà chung của dân

Những bậc cao niên trong xã cho rằng có được cuộc sống ấm no như hôm nay là nhờ ơn Bác. Giỗ Bác cũng như giỗ cha, phải tổ chức cho đúng truyền thống, cúng heo, gà cũng là để cho bà con chung vui trong ngày nhớ Bác.

Năm nào dân Tân Phong, kể cả những người con xa xứ, cũng kéo nhau về đây dự lễ giỗ Bác. Ai thành đạt, con cháu hiếu thuận cũng phải lên “báo công” dâng Bác, cũng là để bà con học theo. Ai tìm được tài liệu liên quan đến Bác cũng đem về góp cho "bảo tàng" nhỏ về Bác Hồ mà ông Bình gầy dựng.

Riêng về tượng Bác, “bảo tàng” này đã có đến 4 - 5 tiêu bản, hình ảnh của Bác lên tới hàng trăm. Vài chục cuốn sách viết về Người được trưng bày trang trọng trong tủ sách. Nhờ những tư liệu về Bác ở "bảo tàng" nhà ông mà các cháu học sinh nhỏ trên cù lao đã làm bài dự thi tìm hiểu về Bác Hồ đạt kết quả tốt. Ở cù lao Tân Phong, nhiều cặp trai gái khi kết hôn cũng lạy bàn thờ Bác cùng bàn thờ gia tiên.

Tóc bạc, chân run, nhưng mỗi khi nói về Bác, lão nông Trần Thanh Bình như khỏe hơn, hào hứng hơn. Ông bồi hồi kể: “Hồi Bác mất, tôi ở Đồng Tháp Mười, cơ quan làm truy điệu, ai cũng để tang Bác, tôi khóc nhiều lắm. Ước mong ngày thống nhất được gặp Bác không thành. Ước mơ lớn nhất của tôi lúc này là được một lần ra viếng Lăng Bác. Nhưng, tuổi đã cao quá rồi, không biết có còn đủ sức khỏe để đi hay không nữa”