Dân Việt

Nóng hổi bài học dụng tài của Bác Hồ

02/09/2010 07:20 GMT+7
(Dân Việt) - Ngay sau khi giành được chính quyền, Bác Hồ đã có chính sách thu hút nhân tài rất hiệu quả. Với Bác, “bất kỳ ai có một tinh thần yêu nước, đều có thể bắt tay cùng Việt Minh”.
img
Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc

Để hiểu rõ thêm vấn đề này, Nông thôn Ngày nay đã có cuộc trò chuyện với GS-TS. Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.

Dân tộc trên hết

Một cuộc cách mạng nổ ra, giành thắng lợi thì người đứng đầu chính quyền sụp đổ thường bị tiêu diệt, như cách mạng tư sản Pháp thắng lợi Vua Luis XVI lên đoạn đầu đài; cách mạng vô sản Nga thành công Sa hoàng bị chặt đầu. Nhưng Cách mạng Tháng Tám 1945 của chúng ta lại khác, vẫn sử dụng những người thuộc chính quyền trước đó?

- Đây là điều đặc sắc của cuộc cách mạng nước ta và cũng là đặc sắc trong tư tưởng của Bác. Thế giới cũng thừa nhận đây là một cuộc cách mạng mang đầy tính nhân văn, nhân đạo. Đó là tư tưởng đại đoàn kết dân tộc.

img Việc “phá ngạch lương” để mời nhà toán học trẻ thiên tài Ngô Bảo Châu về làm việc là minh chứng cho thấy chính sách trọng dụng nhân tài của Đảng ta đang ngày càng đi vào cuộc sống. Tuy nhiên đây không phải là bước đột phá, càng không là chuyện lạ, bởi ngay sau khi vừa giành được chính quyền, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã có chính sách thu hút nhân tài rất hiệu quả. img

Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc

Chủ tịch Hồ Chí Minh và cách mạng đã làm mọi điều vì đoàn kết dân tộc, đặt sự nghiệp của đất nước, của nhân dân lên trên hết. Khẩu hiệu cách mạng lúc đó là “Tổ quốc trên hết”, “Độc lập trên hết”, “Dân tộc trên hết”. Quyền lợi của giai cấp, của từng tầng lớp, của từng bộ phận đều phải đặt dưới sự tồn vong của dân tộc.

Cho nên, trong kính cáo của Hồ Chí Minh nêu rõ: “Bất kỳ ai có một tinh thần yêu nước, đều có thể bắt tay cùng Việt Minh”. Ngay từ năm 1930, trong cương lĩnh đầu tiên của Đảng, Bác đã nêu rằng cách mạng có thể tranh thủ trung, tiểu địa chủ, tư sản vừa và nhỏ.

Khi cách mạng thành công, chuyển về Hà Nội, Bác ở nhà các cụ Trịnh Văn Bô, Hoàng Thị Minh Hồ, đều là những nhà tư sản lớn của Hà Nội. Bác có lòng tin sâu sắc rằng hễ ai có lòng yêu nước đều sẵn sàng đi với Việt Minh, đi với cách mạng.

Ông có thể đưa ra dẫn chứng cụ thể không?

- Khi cách mạng thành công, Uỷ ban Dân tộc giải phóng về đến Hà Nội, chuyển thành Chính phủ lâm thời, hầu hết những thành viên là người cộng sản như Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng... đều rút ra khỏi Chính phủ để nhường chỗ cho các nhân sỹ, trí thức yêu nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ thị cách mạng phải chăm sóc cho các thành viên hoàng tộc ở Huế, tổ chức một lễ thoái vị trang trọng cho Vua Bảo Đại. Và trong hoàn cảnh đó Bảo Đại đã nói một câu kinh điển: “Thà làm dân một nước độc lập hơn là làm vua một nước nô lệ”.

Rồi cụ Phan Kế Toại - Khâm sai đại thần của triều đình Huế ở Bắc kỳ, lúc khởi nghĩa cụ cũng không chịu giao chính quyền cho Việt Minh, nhưng sau cụ đã thấy được đại nghĩa vì dân tộc của Việt Minh nên hết lòng hợp tác với chính quyền mới, làm Phó Thủ tướng Chính phủ cho đến lúc mất vào năm 1969.

“Dụng nhân như dụng mộc”

Mặc dù chính quyền vừa được thành lập còn rất non trẻ, nhưng Hồ Chí Minh dám dùng cả những quan chức cấp cao của Triều đình Huế, của Chính phủ Trần Trọng Kim như Phan Kế Toại, Bùi Bằng Đoàn, Phạm Khắc Hòe; các chức sắc tôn giáo như Phạm Bá Trực, Cao Triệu Phát; các thủ lĩnh dân tộc như Vi Văn Định, vua của người Mông Vương Chí Sình... Theo ông, tại sao Bác lại có lòng tin như vậy?

- Cách dùng người của Bác sau Cách mạng Tháng Tám là tuyệt vời. Bác có niềm tin vào tinh thần yêu nước của mỗi người Việt, đặc biệt là trí thức. Bác biết là những trí thức chân chính, dù có thể tạm thời ở trong bộ máy chính quyền cũ, nhưng họ vẫn khát khao độc lập.

img
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ quốc dân, tháng 11-1946.

Do vậy Bác đã sử dụng, trọng dụng họ một cách chân thành. Như trường hợp cụ Huỳnh Thúc Kháng, tháng 2-1946, cụ ra Hà Nội với ý định chỉ để xem thế nào chứ chưa định hợp tác, làm việc với chính quyền cách mạng. Thế là đồng chí Võ Nguyên Giáp mời cụ Huỳnh gặp Bác, hai người gặp nhau khoảng một tiếng đồng hồ.

Chỉ sau cuộc gặp ấy thôi, cụ Huỳnh đã vui vẻ tham gia chính quyền. Bác làm cách mạng với một tấm lòng chân thành vì dân, vì nước và tuyên bố rằng: “Cộng sản, Việt Minh không có một lợi ích nào khác là lợi ích của dân tộc. Và tôi cũng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của dân tộc”.

Không những thế Bác còn lôi cuốn được cả giới trí thức người Việt ở nước ngoài về tham gia cách mạng?

- Tấm lòng vì đại nghĩa, vì dân tộc của Bác đã kêu gọi được những trí thức người Việt ở nước ngoài theo về phục vụ cách mạng như Trần Đại Nghĩa ở Pháp, Lương Định Của ở Nhật... Theo tôi, mẫu số chung giữa Bác và những người trí thức thời kỳ đó là tất cả để phụng sự dân tộc, phụng sự đất nước chứ không phải vì mục tiêu riêng của đảng phái hay cá nhân nào.

Tôi cho rằng, điều mấu chốt nhất, điều mà nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc hơn hẳn những người khác đó là sự chân thành. Khi trả lời các nhà báo vào tháng 1-1946, Bác đã nói: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng làm.

Khi nào đồng bào bảo tôi lui thì tôi lui. Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tội bậc là đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì tôi sẽ làm một ngôi nhà nhỏ ở nơi có non xanh nước biếc, sớm chiều câu cá trồng hoa và bầu bạn cùng với các cụ già hái củi, các em nhỏ chăn trâu. Không dính líu gì đến vòng danh lợi”.

Bài học dụng tài

Cách sử dụng người tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Giao trách nhiệm và tuyệt đối tin tưởng. Sau này, trong cách sử dụng người của chúng ta lại chưa được tốt như vậy?

- Năm 1946 Bác có bài viết “Tìm người tài”. Trong đó hướng dẫn một cách rất cụ thể cho các cấp chính quyền là khi phát hiện thấy người tài thì báo ngay để Chính phủ đi gặp người đó và giao trọng trách cho họ.

Thí dụ như ông Trần Đại Nghĩa từ Pháp về được Bác giao cho phụ trách ngành quân giới, rồi như bác sĩ Tôn Thất Tùng cũng được Bác tin dùng, giao cho những công việc quan trọng. Những trí thức về với cách mạng có khi được giao trọng trách trong Chính phủ, có khi là những việc khác, nhưng họ đều hết lòng với công việc, hết lòng với sự nghiệp kháng chiến.

Thời kỳ chính quyền còn rất non trẻ mà Bác đã dám làm như vậy, vì sao sau này khi chính quyền đã được xây dựng và củng cố mạnh, đôi khi chúng ta lại rất coi trọng thành phần lý lịch?

- Đúng là sau này có những lúc chúng ta hơi tả, tả trong đường lối tổ chức cán bộ, nặng về thành phần giai cấp, về lý lịch. Nhưng chúng ta cũng đã sửa rồi. Làm như hiện nay cũng là sửa. Chúng ta cũng biết rằng trong thực tế, có biết bao nhiêu nhà tư sản, địa chủ yêu nước, đóng góp nhiều cho cách mạng.

Cách mạng tiến lên do đóng góp của nhiều thành phần, nhưng công nhân, nông dân chỉ có sức người chứ còn của cải thì phải từ những nhà giàu, những tư sản, địa chủ yêu nước, ủng hộ kháng chiến, ủng hộ cách mạng.

Còn sau giải phóng miền Nam 1975, có những lúc chúng ta chưa thật đúng trong việc thực hiện chính sách nên đã có một bộ phận trí thức, một bộ phận những người làm việc trong chính quyền cũ vì hoang mang nên di tản ra nước ngoài. Nhưng hiện nay, khi ta thực hiện chính sách cởi mở thì nhiều người đã quay về đất nước làm việc. Rõ ràng, bài học của Bác về sử dụng nhân tài lúc nào cũng nóng hổi!

Xin cảm ơn ông!