Dân Việt

Ngày đầu làm bạn với thế giới...

04/09/2010 15:10 GMT+7
(Dân Việt) - “Tư tưởng hội nhập đã được Bác Hồ áp dụng ngay buổi đầu khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Những bài học quý giá của giai đoạn ấy, cần tiếp tục được nhìn nhận, phát huy”- nhà sử học Dương Trung Quốc đã nói như vậy với NTNN.
img
Chủ tịch Hồ Chí Minh , Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng và các thành viên Uỷ ban quốc tế sang VN giám sát việc thi hành Hiệp định Geneve ngày 12 - 8-1954.

Thưa ông, hiện nay đất nước ta đang hội nhập mạnh mẽ với khu vực và thế giới. Nhìn lại 65 năm trước, một số quan điểm cho rằng ngay ở giai đoạn vừa giành được độc lập, tư tưởng hội nhập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện rất rõ?

- Lời tuyên bố nổi tiếng của Bác Hồ “VN muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới. Không muốn gây sự với ai” chính là minh chứng rõ nhất cho tư tưởng hội nhập. Những ngày đầu làm bạn với thế giới, người đã làm rõ tư tưởng đó.

Trong văn kiện ngoại giao của Chính phủ lâm thời, đầu tiên Người xin gia nhập Liên Hợp Quốc và tìm cách thuyết phục Mỹ ủng hộ nền độc lập của VN, Người còn nỗ lực tìm cách thân thiện với nước Pháp thông qua chuyến vận động 4 tháng bên Pháp. Người đã rất cố gắng để không chỉ mong cứu vãn hoà bình mà còn có thể nhận được những yếu tố tích cực của văn minh, kinh tế Pháp.

img Tư tưởng hội nhập của Hồ Chí Minh không chỉ là di sản mà đang là hạt nhân của đổi mới bây giờ. Và nhìn nhận trong sự phát triển thì thời đại bây giờ có rất nhiều nhân tố mới. img

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Bởi Người vẫn cần nước Pháp, nhưng là cần những kỹ sư, bác học, công trình sư… chứ không phải là binh lính, sĩ quan của quân đội viễn chinh. Đồng thời, Người tạo thế cân bằng với Trung Hoa… Cùng với nhiều nguyện vọng và việc làm khác, Người mong các nước bắt tay với VN để phát triển, đó là những chủ trương khắc phục hoàn cảnh vừa ở hiện tại lúc bấy giờ, vừa về lâu dài.

Tư tưởng hội nhập của Hồ Chí Minh không chỉ là di sản mà đang là hạt nhân của đổi mới bây giờ. Và nhìn nhận trong sự phát triển thì thời đại bây giờ có rất nhiều nhân tố mới.

Theo ông, những tư tưởng, chủ trương rất tiến bộ lúc bấy giờ của Bác Hồ xuất phát từ nền tảng nào?

- Đó là nền tảng về việc xây dựng nhà nước của dân, vì dân, do dân. Chúng ta biết, VN vốn là nước phong kiến, bị chủ nghĩa thực dân xâm chiếm, đã tạo nên hình thái thuộc địa nửa phong kiến hết sức lạc hậu.

Và Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi lãnh đạo nhân dân đánh đổ thực dân phong kiến áp dụng mô hình hiện đại nhất lúc đó là Dân chủ cộng hoà. Có ảnh hưởng lớn tới Người là Tôn Trung Sơn - nhà dân chủ của Trung Hoa, đã tạo ra mô hình dân chủ phương Đông với chủ nghĩa “Tam dân”: “Dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc”.

img
Nhà sử học Dương Trung Quốc

Và đó cũng là cơ sở cho những chính sách đối nội rất linh hoạt vào giai đoạn đó, thưa ông?

- Nhiều công việc đã thể hiện rất rõ tinh thần dân chủ này. Chỉ nhìn vào cuộc tổng tuyển cử với phương thức phổ thông đầu phiếu đã thấy rõ. Rồi quyền bình đẳng nam nữ, dân tộc, tôn giáo được xác lập ngay trong tổng tuyển cử, rồi trong Hiến pháp.

Những điều đó không phải nước phát triển nào cũng thực hiện, trong khi ở ta, phụ nữ được đi bầu và phụ nữ được tham qua Quốc hội. Hoặc một chi tiết rất thú vị là ngay từ hồi đó, công dân đã được quyền vào thăm Quốc hội. Tầng trên cùng của Nhà hát Lớn là nơi dành cho người ta đến quan sát Quốc hội bàn thảo.

Giai đoạn “nước sôi lửa bỏng” với những tư tưởng tiến bộ ấy để lại cho chúng ta hôm nay bài học, kinh nghiệm gì?

- Hôm nay, lòng tin của nhân dân vẫn còn, tiềm lực của nhân dân rất lớn, bản tính của nhân dân vẫn rất tốt. Nhưng có những trường hợp cần phải lấy lại, phải củng cố lòng tin. Và ở đó, phải có sự gương mẫu của người lãnh đạo. Điều này chúng ta có thể thực hiện ngay từ gia đình ra đến xã hội.

Và làm được thì sức huy động còn lớn hơn nhiều vì dân mình bây giờ đã có các điều kiện hơn nhiều lần so với trước. Đó cũng chính là một bài học, một kinh nghiệm từ lịch sử. Đảng ta là người lãnh đạo thì các nhân tố của Đảng phải tuyệt đối gương mẫu. Việc đấu tranh chống tham nhũng phải được thực hiện với tinh thần cộng sản “Đấu tranh này là trận cuối cùng”.

Bởi chống tham nhũng chính là bảo vệ Đảng, là bảo vệ chính mình. Bài học nữa chính là sự phát huy dân chủ. Đương nhiên là phải phù hợp với xã hội chúng ta và xu thế chung của thời đại, trên nền tảng văn hoá VN. Cho nên, dân chủ như động lực, lãnh đạo như bánh lái. Động lực đi lệch đường thì hỏng. Mà không có động lực thì muốn lái đến đâu cũng vô ích!

Xin cảm ơn ông!