Dân Việt

"Sao Tháng Tám" vẫn sáng...

02/09/2010 07:09 GMT+7
(Dân Việt) - 34 năm đã qua kể từ khi bộ phim “Sao Tháng Tám” ra đời, đạo diễn, diễn viên người còn, kẻ mất nhưng những kỷ niệm về bộ phim được xếp vào hàng "kinh điển" của điện ảnh Việt Nam vẫn còn tươi rói.
img
Nghệ sĩ Dũng Nhi (trái) trong phim “Chạy án”.

Thanh Tú - một đời với “chị Nhu”

Ít ai ngờ một người con gái phố cổ Hà Thành xinh đẹp, dịu dàng như NSƯT Thanh Tú lại vào vai chị Nhu- một cán bộ Việt Minh - xuất thân từ bần cố nông trong "Sao Tháng Tám" ngọt đến như thế.

Đang là sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, cô con gái rượu của ông Thứ trưởng Bộ Xây dựng đã chuyển sang Trường Sân khấu Hà Nội (nay là ĐH Sân khấu Điện ảnh), bất chấp sự phản đối của gia đình. Sau vai diễn đầu tiên trong "Biển lửa" của đạo diễn Phạm Kỳ Nam, Thanh Tú nhận tiếp vai Hương Giang- nhân vật nữ chính của phim "Tiền tuyến gọi".

Diễn viên Thanh Hiền nhớ mãi cảnh quay Mến vác bao thóc chạy. Đạo cụ dành cho diễn viên là một bao trấu. Dù không phải là người Hà Nội gốc nhưng từ bé, chị chưa bao giờ phải lao động nặng. Cùng với áp lực tâm lý, chị tập mãi vẫn chưa ra được dáng vẻ khó nhọc của người vác thóc.

Nhưng chỉ đến khi Thanh Tú vào vai chị Nhu trong phim “Sao Tháng Tám” (đạo diễn NSND Trần Đắc, đã mất) thì Thanh Tú mới thực sự toả sáng. Thanh Tú bảo, chị Nhu là vai diễn để đời của chị, yêu nhân vật này đến mức không thể nhận lời tham gia một bộ phim truyện nhựa nào sau đó nữa, bởi chị biết có cố gắng đến mấy, chị cũng không vượt qua được thành công của vai diễn này.

Chị tâm sự: "Tôi đến với vai diễn Nhu trong "Sao Tháng Tám" rất tình cờ. Ấy là năm 1976, khi đạo diễn Trần Đắc thấy đạo diễn Phạm Văn Khoa đang thử vai cho tôi để vào phim "Chị Dậu" thì ông "nhặt" tôi vào luôn vai Nhu. Lúc đạo diễn Trần Đắc quyết định chọn tôi xong thì giám đốc hãng phim không đồng ý. Ông cho rằng tôi không phù hợp với vai nữ chiến sỹ cách mạng chịu khổ chịu sở để hy sinh cho cách mạng nhưng đạo diễn Trần Đắc vẫn không thay đổi ý định. Và bằng sự động viên, chỉ bảo tận tình của ông, tôi đã làm cho mọi người phải quên đi những vai diễn "tiểu thư phố cổ" trước đó của mình”.

img
NSƯT Thanh Tú.

Với vai cô cán bộ Việt Minh yêu nước nồng nàn, Vũ Thanh Tú đã được nhận giải nữ diễn viên xuất sắc nhất ở Liên hoan phim VN lần thứ IV (năm 1977). Cùng vai Nhu này, chị còn được Ủy ban Phụ nữ toàn Liên bang Xô Viết trao giải đặc biệt, khi bộ phim "Sao Tháng Tám" đi dự Liên hoan phim ở Matxcơva.

Giờ thì NSƯT Thanh Tú đang chọn một cuộc sống bình yên trong một ngôi nhà ở khu phố cổ Hà Nội với niềm tin vào Phật pháp. "Hồng nhan đa truân", lời nguyền ấy đã đeo đuổi hầu như suốt cuộc đời chị với hai lần đổ vỡ trong hôn nhân. Niềm vui của Thanh Tú giờ đây chỉ là những phút giây được gặp lại bạn bè cùng thời với chị như NSND Trà Giang, Như Quỳnh…

Lá thư gửi nghệ sĩ Dũng Nhi

Dù chỉ tham gia một vai nam thứ chính trong phim "Sao Tháng Tám" nhưng với nghệ sĩ Dũng Nhi, đó vẫn là một kỷ niệm không thể quên trong cuộc đời làm nghệ thuật của ông. Ông đã thể hiện rất tốt hình ảnh của một người thanh niên trí thức đến với cách mạng.

Bên cạnh diễn xuất tuyệt vời của cố nghệ sĩ Đức Hoàn trong vai Kiều Chinh- chị gái ông, sự nhanh nhẹn, mưu trí của Dũng Nhi cũng đã khiến bộ phim được đánh giá cao như một bộ phim "kinh điển" trong thể loại phim có hơi hướng "hành động, trinh thám" của điện ảnh VN.

Kỷ niệm lớn nhất gắn bó với phim "Sao Tháng Tám" chính là lá thư của một khán giả- một thanh niên Hà Nội thuộc thế hệ 7x gửi đến cho ông để nói lên những cảm nhận của mình về bộ phim, điều mà tác giả lá thư cho rằng đã làm "thay đổi cuộc đời" của anh.

Lá thư có đoạn viết: "...Trong phim có một cảnh mà một đứa trẻ như cháu hồi đó không hiểu được, nhưng mà chẳng thể quên... Hai người thanh niên gầy gò kéo một cái xe bò đi gom xác người chết đói lại để chôn ở những hố chôn tập thể.

Khi hai người khiêng một ông già chất lên xe, ông cụ cố thều thào bằng cái giọng yếu ớt: "Tôi chưa chết, đừng chôn tôi". Hai người thanh niên kia đáp lại: "Đằng nào cụ chả chết, cụ đi sớm cho mát mẻ". Hình ảnh đó cứ ám ảnh cháu nhiều năm sau đó. Nó dạy cháu trân trọng hơn những giá trị của cuộc sống độc lập tự do mà cháu đang được hưởng thụ…

Nghệ sĩ Dũng Nhi nói lá thư của khán giả trẻ đó đã khiến ông suy nghĩ nhiều hơn về công việc của mình, khi mà có những bộ phim không chỉ đơn thuần là một tác phẩm nghệ thuật mà còn mang trong mình sứ mệnh lịch sử với dân tộc.

"Sao Tháng Tám" là một bộ phim như vậy, cho đến thời điểm hiện nay, khi nền điện ảnh VN đã có hơn nửa thế kỷ trưởng thành, đó vẫn là một bộ phim nói được nhiều nhất, đúng nhất thời khắc lịch sử của dân tộc VN - Cách mạng Tháng Tám.

Dũng Nhi là một nghệ sĩ đa tài, dạng vai nào ông vào cũng được, từ tướng cướp Năm Sài Gòn trong phim "Bỉ vỏ" đến Anh hùng Lê Mã Lương trong "Bài ca ra trận", nhà văn Nguyễn trong "Mê thảo thời vang bóng" rồi ông Thứ trưởng Cao Đức Cẩm trong phim "Chạy án"…

Cuối năm nay, khán giả sẽ được gặp lại nghệ sĩ Dũng Nhi với vai Bí thư Hoàng Kim trong bộ phim dài 50 tập mang tên "Bí thư Tỉnh uỷ". Nghệ sĩ cho biết: "Sau "Sao Tháng Tám", "Bí thư Tỉnh uỷ" cũng là một bộ phim chứa đựng nhiều tâm huyết cuộc đời tôi bởi đó là một nhân vật lịch sử cả đời vì người nông dân và được nông dân vô cùng kính trọng".

Duyên nghiệp với cô gái quê

img
NSƯT Thanh Hiền.

NSƯT Thanh Hiền - cô gái quê tên Mến trong phim "Sao Tháng Tám" năm nay đã ở vào tuổi ngoại ngũ tuần nhưng vẻ xinh đẹp mặn mà thì hầu như chưa thể rời bỏ chị. Mến trong "Sao Tháng Tám" là vai diễn đầu tiên trong đời chị, khi chị đang là sinh viên năm thứ 2 của Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh.

Ấn tượng của chị về những tháng ngày tham gia phim "Sao Tháng Tám" không phải là sự gian khổ, vất vả mà lại là áp lực tâm lý. Chị thú nhận là lo lắng, căng thẳng đến mức run quá không diễn được, nhất là cảnh Mến vác bao thóc (thực chất là bao trấu) chạy.

Nhìn cả đoàn làm việc nghiêm túc, nghệ sĩ Thanh Tú còn tình nguyện vác làm mẫu nhiều lần để chị tập theo, chị lại tự nhủ phải cố gắng để không làm mọi người thất vọng. Và rồi, sau nhiều lần tập lên tập xuống, chị đã nhận được những ánh nhìn khích lệ của mọi người trong đoàn.

Thế nhưng, chị thú thực là mỗi lần xem lại "Sao Tháng Tám", chị vẫn ngượng với một cảnh mà chị cho rằng, nếu được làm lại, chị sẽ làm tốt hơn (dù có thể nhiều người không để ý). Ấy là cảnh Mến đang mải mốt vét chút thóc vãi trên bàn cân thì bàn chân của mụ địa chủ bất ngờ chặn phía trước. Lẽ ra, theo tự nhiên, Mến sẽ phải hơi rụt bàn tay lại hoặc vét thật nhanh số thóc còn lại nhưng trong phim, tay Mến vẫn bình thường.

Sau "Sao Tháng Tám", chị liên tiếp được tham gia những phim như "Ngày ấy bên sông Lam", "Bình minh xôn xao", "Tiếng gọi phía trước"... Với chị, đó là vinh dự lớn trong nghiệp diễn.