Dân Việt

Cuốn nhật ký đời người

04/09/2010 23:40 GMT+7
(Dân Việt) - Trong cuộc đời Đại tá Trần Kim Hùng, có một cuốn nhật ký mà ông xem như "bảo vật" của mình.

Cuốn nhật ký không chỉ cùng vị Đại tá chia sẻ những buồn vui, ghi chép những trận đánh ông tham gia chỉ huy, mà còn lưu giữ những bức vẽ sơ đồ, diễn biến các trận đánh.

Sinh năm 1930 tại thôn Vạn Trung, xã Ân Hảo, (Hoài Ân, Bình Định), với 36 năm trong quân ngũ, Anh hùng LLVT, Đại tá Trần Kim Hùng đã trải qua nhiều cương vị khác nhau, từ Tiểu đội trưởng đến Tham mưu phó Sư đoàn 859, lăn lộn chiến đấu ở chiến trường, lập nên những kỳ tích xuất sắc.

img
Đại tá Trần Kim Hùng bên trang nhật ký

Những trận đánh nổi tiếng như phá hủy sân bay Đà Nẵng, Nước Mặn, kho xăng Liên Chiểu, diệt chi khu quân sự Hiệp Đức...đều có sự tham gia của ông.

Từ một chàng trai Bình Định làm thuê, làm mướn, Trần Kim Hùng đã trở thành người cán bộ đặc công. Đất nước hòa bình, gần 20 năm qua, ông đã chắt chiu những đồng lương hưu ít ỏi của mình, lặn lội vớt rong biển, nuôi heo để có tiền đi tìm đồng đội vẫn còn nằm lại chốn rừng sâu. Ông đã cùng đồng đội cất bốc hơn 300 mộ liệt sĩ, đưa họ về với người thân sau bao nhiêu năm mòn mỏi mong chờ tưởng chừng vô vọng.

Trong đời ông, có một cuốn nhật ký mà ông xem như "bảo vật" của mình. Ông Hùng tâm sự: "Tôi rất thích ghi nhật ký. Nhật ký là người bạn tri kỷ của tôi, cùng tôi chia sẻ những buồn vui, ghi chép những trận đánh mà tôi tham gia, chỉ huy. Quả thật đối với tôi, cuốn nhật ký còn quý hơn cả vàng.

Tôi đã ghi chép những ký ức của mình những năm tháng trận mạc. Trong đó, có cả những trang tôi viết về người vợ thân yêu cùng đứa con chưa chào đời đã ra đi vì bom đạn”. Thù nhà, nợ nước càng khiến ông dũng cảm chiến đấu hy sinh quên mình. Đó là sức mạnh Việt Nam làm nên thắng lợi mà đến giờ người Mỹ vẫn không sao hiểu được.

Phần quan trọng trong cuốn sổ nhật ký là những bức vẽ sơ đồ, diễn biến các trận đánh, tên đồng đội hy sinh kèm theo hồ sơ mộ chí, nơi chôn cất liệt sĩ. Cuối mỗi trang tôi đều viết: "Hết chiến tranh, nếu còn sống, tôi sẽ lên đón các đồng chí về". Sau khi nghỉ hưu, tôi đã thực hiện tâm nguyện này với những người đồng đội đã ra sống vào chết với tôi nơi trận mạc" - ông bộc bạch lòng mình.