Dân Việt

Phim ơi, đừng "bóp méo" gái quê!

03/09/2010 20:29 GMT+7
(Dân Việt) - Trong những bộ phim truyền hình gần đây, hình ảnh các cô gái quê rất hay bị "bóp méo" theo con mắt chủ quan, hoặc là quê kệch thô thiển, hoặc là quá sành điệu. Khán giả đang mong chờ một hình ảnh khách quan hơn.

Thiếu thực tế

img
Người đẹp Quỳnh Nga vai sơn nữ Vũ Vũ trong phim “Lập trình trái tim”.

Bạn Lê Thị Thu Thanh- một khán giả truyền hình ở Ứng Hoà (Hà Nội) viết thư cho NTNN tâm sự: "Tôi là một khán giả trẻ, rất thích các chương trình dành cho lứa tuổi của mình và theo dõi khá thường xuyên.

Tôi cũng thích xem bộ phim "Bộ tứ 10A8" phát sóng trên VTV3 vào 20 giờ tối từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Thế nhưng, thời gian gần đây, phim tập trung vào câu chuyện của cô bé osin Tươi trong gia đình LaLa với nhiều tình tiết vô lý làm tôi, một khán giả trẻ ở nông thôn cảm thấy rất buồn phiền.

Thứ nhất là diễn viên Thuý Hạnh trong vai osin Tươi quá lạm dụng giọng nói để thể hiện mình là người nhà quê bằng cách phát âm nói "chẳng giống ai". Hàng loạt những hành động cố tình để gây cười cũng khiến người xem thấy phản cảm, ví dụ Tươi thích được làm người mẫu, cứ thấy quần áo mới do LaLa thiết kế dù dở đến đâu cũng mặc vào rồi đi đứng vênh váo.

Khi Thắm, cô em song sinh của Tươi từ quê lên thăm chị lại càng có nhiều chuyện phi thực tế hơn nữa, rõ ràng đó là một cô gái chuyên mò cua bắt ốc, vậy mà cầm đến chiếc điện thoại Iphone của LaLa lại có thể sử dụng thành thạo…"

Khán giả ở nông thôn không thể không cảm thấy "chạnh lòng" khi hình ảnh các cô gái quê dịu dàng nền nã bị "vẽ nhọ bôi hề" quá tay như vậy.

Hàng loạt những vai osin trên màn ảnh gần đây cũng bị các đạo diễn "nhào nặn" một cách không thương tiếc theo suy nghĩ chủ quan của họ.

Trong phim truyền hình "Tết thiếu osin" hay trong chương trình "Xả xì choét" trên Đài truyền hình Hà Nội vào mỗi tối thứ 7 hàng tuần, nghệ sĩ hài Vân Dung cũng đang làm cho hình ảnh các cô gái ở nông thôn lên thành phố làm osin bị méo mó. Vân Dung liên tục xuất hiện với những bộ đồ xanh xanh đo đỏ, tóc buộc vổng lên với 2 chiếc nơ loè loẹt của trẻ nhỏ và chuỵện "ngồi lê đôi mách" nói xấu chủ nhà thì… thôi rồi.

Khán giả ở nông thôn không thể không cảm thấy "chạnh lòng" khi hình ảnh các cô gái quê dịu dàng nền nã bị "vẽ nhọ bôi hề" quá tay như vậy.

Bao giờ thay đổi?

NSƯT đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, một đạo diễn có nhiều phim và rất tâm huyết với đề tài nông thôn bày tỏ quan điểm: "Chúng ta nên bỏ quan niệm làm phim về nông thôn thì thêm thắt một số nhân vật, trang phục, lời nói, cách cư xử… nào đó thể hiện sự "quê mùa", "lạc hậu"," chênh lệch".

Những cuốn sách, bộ phim tạo ra sự phân biệt giữa thành thị và nông thôn kiểu như thế chỉ chứng tỏ tác giả không có thực tế về hiện thực mình phản ánh, tác giả sử dụng những định kiến rất cũ. Nông thôn, miền núi bây giờ khác trước nhiều lắm rồi".

img
Một cảnh trong phim “Tết cháy ô sin”

Những bộ phim xây dựng hình ảnh các cô thôn nữ chân chất ngoan hiền giờ hầu như "tuyệt chủng" mà chỉ chủ yếu tập trung vào hai thái cực, đó là hoặc làm cho méo mó với đủ thứ thói hư tật xấu, hoặc là khoác cho các cô hàng loạt những suy nghĩ chủ quan, áp đặt như kiểu họ sinh ra đã là những cô Kếu sành sỏi trong chuyện đào mỏ trai thành phố.

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Giám đốc VFC Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Đài truyền hình Việt Nam cho biết: "Đúng là trong một số kịch bản phim truyền hình gần đây, hình ảnh các cô thôn nữ hơi méo mó do được các biên kịch xây dựng hơi quá tay một chút để làm nổi bật tính cách nhân vật. Thế nhưng với những trường hợp kịch bản được viết bởi những người có vốn sống thì lại có những cô gái nông thôn lên thành phố rất sinh động như Vũ Vũ trong "Lập trình trái tim" chẳng hạn".

Rõ ràng hình ảnh thôn nữ trên phim hiện nay cũng không khác gì thân phận của chiếc bánh trôi nước trong thơ Hồ Xuân Hương "rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn". Chỉ mong các nhà biên kịch lưu tâm đến cảm xúc của khán giả, nhất là khán giả ở khu vực nông thôn để có thể tìm được cách xử lý nhân vật của mình sao cho có lý, có tình nhất.