Dân Việt

Nông dân An Giang: Tập chay mơ ngày... hái quả

05/09/2010 08:37 GMT+7
(Dân Việt) - Tại vòng chung kết Giải Bóng đá Nông dân toàn quốc 2010 tổ chức tại Long An (từ 16 đến 25-9), An Giang được coi là ứng cử viên sáng giá cho chức vô địch.

Khác với cách chuẩn bị của các đội bóng chuyên nghiệp, những cầu thủ nông dân vừa luyện tập chiến thuật vừa rèn thể lực bằng cách… cày ruộng, trồng cây, nuôi cá… Có chứng kiến các "hai lúa" An Giang đá bóng mới hiểu hết được những vất vả của họ để giữ được tình yêu với trái bóng…

Nhồi thể lực bằng… cơm nguội

Cuối tháng 8 và qua, theo lịch hẹn với anh Châu Văn Trường - HLV đội bóng đá nông dân An Giang, tôi có mặt ở sân vận động An Giang để xem trận thi đấu giao hữu với đội bóng đá Café Phố.

8 giờ sáng, đội Café Phố đã có mặt đầy đủ với bộ trang phục màu cam rất nổi bật, còn đội nông dân An Giang chỉ lèo tèo có 7 - 8 cầu thủ. Hỏi lý do đi trễ, cầu thủ Đào Văn Hiền (quê xã Kiến An, huyện Chợ Mới), vừa thở vừa giải thích: "Nhiều anh em không có xe máy nên phải bắt 3 chuyến xe buýt cộng với chuyến phà An Hòa từ Chợ Mới qua Long Xuyên nên không thể đến kịp".

Hơn 30 phút sau, cũng mới chỉ có được 10 cầu thủ với… 9 bộ đồ thi đấu. Đội nông dân đành chơi "chấp" 1 người với đội Café Phố. Sau tiếng còi khai cuộc trận đấu 15 phút mới thấy cầu thủ Lê Tuấn Đạt lót tót chạy vào. "Em tranh thủ ăn cơm nguội ở nhà để dành tiền đi xe buýt, nhưng do buổi sáng kẹt phà nên tới trễ"- Đạt nhanh nhảu phân bua.

img
Cầu thủ đội Nông dân An Giang đánh dấu ghi bàn vào lưới đội Cafe Phố tháng 8-2010

Dù chơi thiếu người nhưng đội nông dân An Giang vẫn lấn lướt Đội Café Phố. Phút thứ 10 của hiệp 1, cầu thủ số 14 của đội nông dân đã mở tỷ số bằng pha đánh đầu đẹp mắt. Thấy các học trò ham ghi bàn, HLV Châu Văn Trường liên tục nhắc nhở phải chú ý triển khai chiến thuật, phối hợp các phương án tấn công đã được tập luyện. "Dọc biên đi Hiền ơi. Chuối chạy vào trong. Thọ, dạt ra cánh đi con... Sau khi tăng tốc con phải chuyền nhanh vào trong Thọ ơi"…, HLV Trường không ngừng chỉ đạo.

Tranh thủ lúc bóng ra khỏi sân, anh quay sang cười phân trần: "Lâu lắm mới có dịp đưa các em qua Long Xuyên thi đấu cọ xát. Bình thường, do không có tiền nên đội chủ yếu đóng quân và tập luyện ở Chợ Mới luôn. Những trận đấu thế này là cơ hội để quý để thử nghiệm chiến thuật và đội hình luôn".

"Chỉ sợ vợ… cằn nhằn"

img
Sau giờ luyện tập, Trần Phúc Thọ lại về nhà phụ ba mẹ chăm lo ao cá tra

Nhưng có lẽ hôm nay trận đấu không đạt như mong muốn của anh Trường bởi đội Café Phố tỏ ra quá yếu. Sau khi cầm cự được trong hiệp 1, sang hiệp 2, các "công tử thành thị" gần như đi bộ trên sân, để mặc cho các "Hai Lúa" lên bóng ào ạt. Nếu đội nông dân không buông thì chắc chắn trận đấu chưa dừng lại ở tỷ số 3 - 1.

Trọng tài vừa thổi còi kết thúc, một số cầu thủ đội nông dân đã vội vã thay đồ để chuẩn bị trở về Chợ Mới. Hỏi thì cầu thủ Lê Tuấn Đạt (xã Nhơn Mỹ, Chợ Mới) phân trần: "Vợ em chỉ cho phép đi tập luyện 1 buổi, còn 1 buổi phải tranh thủ đi phụ hồ để kiếm tiền mua gạo. Một vợ, 2 con, không lo chuyện gia đình là vợ em cự, không cho đá banh nữa".

Hỏi thăm mới biết rất nhiều cầu thủ có hoàn cảnh khó khăn như Đạt, phải vừa đá bóng vừa làm thuê phụ giúp gia đình. Ngay cả tiền đạo Trần Phúc Thọ ("Hai Lúa tóc đẹp" đá rất hay ở vòng bảng, sinh năm 1990) cũng tranh thủ về nhà phụ gia đình nuôi cá tra bè.

HLV Châu Văn Trường chia sẻ: "Tôi thường động viên các em được vào thi đấu vòng chung kết là vinh dự rất lớn, nên cần nỗ lực hơn. Nông dân được lợi thế là nhiệt tình, thi đấu vô tư không toan tính và học kỹ thuật, chiến thuật cũng rất nhanh”.

Sẽ đạt thành tích cao, nếu…

Anh Trường cho biết, rất lo là đến nay các cầu thủ vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ từ đợt tập trung thi đấu vòng loại. Thậm chí, đội bóng hiện còn đang thiếu nợ tiền mua sắm dụng cụ, trang phục thi đấu cho cầu thủ, tiền nghỉ khách sạn…

“Anh em ai còn phải lo cho chén cơm, manh áo chứ đâu thể suốt ngày đi đá banh hoài được” - cầu thủ Đào Văn Hiền.

Theo Hội Nông dân An Giang, trước khi diễn ra vòng loại, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hứa sẽ tài trợ kinh phí nhưng khi đội bóng lọt vào vòng chung kết thì đa số các doanh nghiệp lại… im lặng. Trước tình hình này, Hội Nông dân và Sở VH-TT&DL đã trình UBND tỉnh An Giang phê duyệt kinh phí tập luyện và thi đấu vòng chung kết. Sở Tài chính đồng ý cấp kinh phí theo định mức tiền ăn 25.000 đồng/người/ngày trong thời gian tập luyện và 50.000 đồng/người/ngày trong thời gian thi đấu. Theo anh Trường, định mức ăn này rất khó đảm bảo đủ chất dinh dưỡng và sức khỏe cho các cầu thủ.

Là người gắn bó gần 30 năm theo nghiệp bóng đá, từng tham gia công tác huấn luyện đội tuyển bóng đá cấp tỉnh, HLV Châu Văn Trường (hiện là Phó phòng Nghiệp vụ, Sở VH-TT&DL An Giang) cho rằng, đội bóng đá nông dân An Giang hiện tập hợp rất nhiều cầu thủ giỏi, có năng khiếu và triển vọng thi đấu đỉnh cao.

Anh Trường nhấn mạnh: "Nếu có điều kiện tập trung đội về sân vận động An Giang huấn luyện khoảng 1 tháng trước khi tham dự vòng chung kết ở Long An sẽ rất tốt. Như thế các cầu thủ sẽ chuyên tâm tập luyện, không vướng bận việc gia đình và có điều kiện thi đấu cọ xát nhiều hơn. Nếu được chuẩn bị tốt, chắc chắn đội sẽ giành được kết quả cao tại giải lần này".

Từ những nông dân chỉ biết "chạy và đá", anh Trường đã cố công tập hợp thành một đội bóng, huấn luyện chiến thuật, kỹ thuật cho từng cầu thủ… đưa đội bóng đá nông dân An Giang trở thành một trong những đội bóng mạnh tại Giải Bóng đá Nông dân toàn quốc năm nay. Tuy nhiên, với kiểu "vừa chơi bóng vừa cày ruộng", tình hình kinh phí eo hẹp, điều kiện ăn uống, tập luyện thiếu thốn như hiện nay chẳng biết các cầu thủ có đủ sức tập trung cho "trận chiến" quan trọng ở Long An hay không.