Nước sạch về Pá Nó. |
Ông Lò Văn Tiêng, người dân bản Pá Nó, phấn khởi: “Bây giờ có điện thắp sáng, có đường giao thông nên đi lại dễ dàng, tổ chức cái lễ hội hay sinh hoạt hàng ngày cũng thuận lợi hơn nhiều. Năm học mới bắt đầu sớm hơn trước nên giáo viên, học sinh về trường đông vui lắm. Ngày Tết Độc lập của đất nước cũng là ngày người Sinh Mun mình thoát cảnh đi ở, làm thuê, cuốc mướn...”.
Hạ tầng mới
Pá Nó là bản vùng cao thuộc xã vùng 3 (đặc biệt khó khăn) của huyện Mai Sơn. Trước đây, chỉ nói đến Phiêng Pằn là hình dung tới đói ăn, thất học, bất đồng ngôn ngữ, dịch bệnh... Mấy năm gần đây, huyện Mai Sơn đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu đầy đủ cho Phiêng Pằn: Điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt, kênh mương tưới tiêu... Nhờ vậy, không chỉ trung tâm xã hay trường học, trạm y tế mà trong những ngôi nhà dân cũng chan hoà ánh điện, ấm áp tiếng tivi, radio, băng đĩa.
Già Lường Văn Tắm
Trong ngôi nhà nội trú dân nuôi cạnh khu lớp học 2 tầng ở Trường THCS Phiêng Pằn, em Lò Thị Sinh, học sinh lớp 7A kể: “Ông cháu, mẹ cháu đều không biết chữ.
Nhà cháu cũng mới đủ ăn được 3-4 năm nay nhưng bố, mẹ cháu vẫn cố gắng nuôi cháu đi học. Bố cháu bảo “Nhà nước xây cái trường tốt, bàn ghế tốt như thế này là để giúp các con thành người giỏi, người tài”. Nghe lời bố dạy, cháu luôn cố gắng học giỏi”.
Tư duy mới
7-8 năm trước đây, đến Phiêng Pằn dễ dàng bắt gặp những người ND với cuộc sống bữa đói, bữa no cùng tập quán canh tác lạc hậu "chọc lỗ - tra hạt". Những đứa trẻ thất học, bỏ học giữa kỳ ở nhà trông em, lên nương kiếm rau cùng bố mẹ hoặc "tập sự” kiếm sống bên những gốc măng tre, lỗ củ mái, củ nâu... Năm năm trở lại đây, sự học ở đất Phiêng Pằn đã đổi thay rất lớn.
Cô giáo Phùng Thị Hiền ở Trường Mầm non Phiêng Pằn tâm sự: “Mấy năm trước, học sinh cấp I, cấp II phải đi vận động chống bỏ học giữa kỳ, nhưng bây giờ, trường mầm non cũng huy động trẻ đạt và vượt chỉ tiêu. Bà con tuy còn nhiều khó khăn nhưng đã biết quan tâm đến tương lai con trẻ”.
Không chỉ đổi mới tư duy về sự học, người Phiêng Pằn đã có cuộc "cách mạng" về nếp nghĩ, cách làm, sinh hoạt hàng ngày. Già bản Lường Văn Tắm, 73 tuổi, tự hào: “Người Pá Nó không chỉ làm lúa nước 2 vụ mà những giống lúa, giống ngô, sắn mới năng suất cao đã được đưa vào sản xuất cùng với việc bón phân, làm cỏ đúng kỳ để thu hoạch nhiều hơn.
Thiếu ruộng thì tìm nguồn nước khai hoang, làm ao thả cá, làm thêm nghề phụ từ đan lát truyền thống... nên hộ nghèo đã giảm rất nhiều. Hộ giàu chưa có mấy nhưng chẳng còn những nhà tranh mục nát. Bây giờ nhà ai cũng có xe máy, tivi; con trẻ biết đọc báo cho người già nghe. Văn nghệ bản cũng mạnh lắm, mỗi khi biểu diễn cả trăm người xem”.
Ghé đôi can nhựa vào chiếc vòi nước do nguồn vốn 133 - định canh, định cư đầu tư xây dựng, chị Lò Thị Hoan, cười: “Bây giờ ở Pá Nó không ai ăn nước suối nữa nên ít ốm đau hơn. Nếu ốm cũng không cúng vái như xưa nữa, có cán bộ y tế giúp rồi. Gần đây chẳng ai phải chết oan vì cúng ma rừng, ma nhà”.
Chia tay Pá Nó, chia tay Phiêng Pằn khi những tia nắng chiều đang chìm dần sau dãy núi Nà Ớt. Lời của bà Lù Thị Hơn, người phụ nữ Sinh Mun hơn 60 tuổi cứ theo tôi: “Người dân Pá Nó sẽ làm cho bản mình đổi mới nhanh hơn, nhiều hơn, giàu có như nhiều bản khác. Mình đã có quyết tâm lại được Nhà nước giúp đỡ thì thay đổi nhanh thôi. Bây giờ Pá Nó không còn người phá rừng, săn thú; không có người nghiện hút, tái trồng cây thuốc phiện, ai cũng lo làm cho mình giàu lên, giỏi lên... Pá Nó sẽ thành bản mới”.
Kiều Thiện