Đã là virus thì lây lan rất nhanh, trong đợt tập trung mới đây, chính ông Capello của đội tuyển Anh đã phải đau đầu khi hai trụ cột Lampard và John Terry thông báo chấn thương để… ở nhà. Thậm chí ngay cả chấn thương của Ronaldo cũng đang bị "nghi" là câu chuyện bịa đặt của HLV Real Madrid Mourinho nhằm tránh cho cầu thủ này không phải thi đấu cho đội tuyển.
Ở Việt Nam, những năm trở lại đây chuyện xin rời đội tuyển, hoặc cáo bệnh không tập trung chẳng phải là chuyện hiếm. Nghĩa vụ với CLB đôi khi còn to hơn cả nghĩa vụ với quốc gia, đó là một nghịch lý. Chính HLV Calisto đã tạo ra một tiền lệ xấu khi năm ngoái ông cho Công Vinh "miễn" nhiệm vụ đội tuyển để thi đấu cho Leixoes trên đất Bồ Đào Nha.
Giá trị ở đội tuyển chỉ có ý nghĩa với những cầu thủ muốn mượn "mác" đội tuyển để tạo ra một điều kiện có lợi trong quá trình đàm phán hợp đồng với CLB ở V.League.
Còn một lý lẽ khác, chuyện lên tuyển bây giờ rất dễ. Chỉ cần thi đấu một vài trận tốt, nhất là trận ấy có mặt ông HLV trưởng trên khán đài là có cơ hội lên tuyển. Thế nên, giới cầu thủ có khái niệm là "trận đấu làm hàng" thì đá cố gắng, ngược lại thì xìu xìu ển ển cho xong.
Văn Quyến, Văn Trương, Xuân Thành- những cầu thủ từng dính vào cá độ hay ma túy được ông Calisto gọi tập trung lần này đã gây ra những dư luận trái chiều. Cho dù họ đã cố gắng trở lại nhưng liệu cú hích đội tuyển này có là quá vội vàng? Nhất là đợt tập trung tới đây mang ý nghĩa quan trọng là thi đấu chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Trong "phong trào" dâng lên Đại lễ đang rộng khắp thì bóng đá cũng phải là một sản phẩm tốt, sạch sẽ để xứng đáng được đặt trong những ngày lễ linh thiêng.
Mới rồi, báo NTNN đã có bài nhắc lại cầu thủ hào hoa một thời Nguyễn Hồng Sơn khiến nhiều người bồi hồi và giật mình: "Bóng đá bây giờ không chỉ thiếu những Hồng Sơn giỏi chuyên môn mà còn thiếu những Hồng Sơn trọng danh dự và đá vì niềm kiêu hãnh trong màu áo đội tuyển".
Vi Thành