Dân Việt

Sự thật về tin đồn người Mông Xanh ăn thịt người

06/09/2010 22:58 GMT+7
(Dân Việt) - Cách cả trăm năm rồi, ở dải đất chỉ có điệp trùng rừng núi giữa miền Tây Bắc ấy bỗng rộ lên một tin đồn khủng khiếp: Người Mông Xanh ăn thịt người. Tin dữ ấy khiến ai cũng kinh sợ, hãi hùng.

Người Mông Xanh ở huyện Văn Bàn (Lào Cai) cho rằng, dân tộc mình đến từ đất nước mặt trời mọc xa xôi. Đến giờ, chưa có bằng chứng khoa học nào để khẳng định chính xác chuyện này, thế nhưng, nhìn hình dạng bề ngoài thì tộc người thiểu số này cũng có nhiều nét giống với người Nhật Bản.

Khổ vì… được quan tâm

img
Ông Vàng A Sáng.

Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu đời sống của người Mông Xanh đang sinh sống trên địa bàn, vẻ tâm đắc, ông Triệu Trung Phấu - Chủ tịch UBND xã Nậm Xé, huyện Văn Bàn bảo, đã có rất nhiều đoàn nghiên cứu cả trong và ngoài nước lặn lội lên đây để tìm hiểu về tộc người có nhiều nét kỳ bí này.

Có lẽ, họ đến bởi thời gian gần đây, trong cộng đồng người Mông Xanh dấy lên thông tin lạ lùng rằng dân tộc họ có nguồn gốc xuất xứ từ Nhật Bản, xứ sở của loài hoa anh đào tuyệt mỹ.

Cũng theo ông Phấu, khi những thông tin ấy rộ lên, người trong xã mới giật mình để ý và lại giật mình khi nhận ra rằng, những thông tin trên ít nhiều có cơ sở.

Ông Phấu cho biết, trên địa bàn xã, người Mông Xanh có gần 600 khẩu, sống ở hai bản Tu Thượng và Tu Hạ. Ông Phấu giới thiệu chúng tôi đến gặp ông Vàng A Sáng, nhân vật có uy tín bậc nhất của dân tộc gắn với nhiều lời đồn thổi, thêu dệt này.

Đúng như lời ông Phấu nói, khi gặp ông Sáng chúng tôi đã không khỏi bất ngờ. Ông Sáng có nhiều nét giống người dân ở xứ sở Phù Tang: Người thấp bé, mắt sáng, mũi thẳng và cao, tác phong thì hoạt bát, lanh lẹ.

Khi chúng tôi bày tỏ sự bất ngờ này, ông Sáng cười bảo: “Ai cũng bảo mình giống người Nhật. Mình xem ti vi, xem ảnh trên sách báo cũng thấy… đúng là như vậy! Người dòng tộc mình trên này thì ai cũng thế mà!”.

img
Vóc dáng, trang phục của người Mông Xanh khác hoàn toàn các tộc người Mông khác

Ông Sáng sinh năm 1952, trong cộng đồng, so với những người cùng thế hệ thì ông là người đi nhiều, biết rộng. Năm 22 tuổi, ông rời bản làng lên đường nhập ngũ. Tham gia giải phóng miền Nam rồi ông lại ngược ra Bắc chống quân bành trướng Trung Quốc.

Ông bảo, những ngày bôn ba ấy, gặp bất cứ ai ông cũng đều nhận câu hỏi, ông là người dân tộc nào mà trông… khác người đến vậy. Ông bảo ông là người Mông, thế nhưng chẳng ai tin. Họ bảo, người Mông ai cũng “mũi tẹt, mắt híp”, sao ông không giống thế?

Truyền thuyết về một cuộc di cư

Mấy lần về Thủ đô tham gia các cuộc hội nghị với những già làng, trưởng bản người thiểu số, ông Sáng đã dò hỏi các đại biểu ở khắp mọi miền đất nước và đi đến kết luận, ở Việt Nam chỉ duy nhất xã Nậm Xé là có người Mông Xanh cư trú. Ông Sáng ao ước được một lần đặt chân đến Nhật Bản để tìm hiểu xem có đích xác người tộc ông có xuất xứ từ đó.

Ông Sáng bảo, bố ông sinh ra ở nơi đây, thế nhưng ông nội ông thì không phải là người ở đất này. Ông nội ông từ đâu đến, đến giờ ông cũng không biết rõ. Các cụ thì cứ khăng khăng khẳng định rằng, người Mông Xanh có xuất xứ từ Nhật Bản. Nói vậy thì biết vậy chứ ông cũng chẳng thấy có bằng chứng xác đáng để chứng minh. Có chăng chỉ là cái vóc dáng bề ngoài “giông giống”.

Khi giải ngũ, về công tác tại địa phương, ông Sáng mới thực sự đi sâu tìm hiểu gốc gác của dân tộc mình. Tuy nhiên, việc tìm kiếm đó cũng chẳng cho kết quả như là mong muốn. Người Mông Xanh có ngôn ngữ riêng nhưng không có chữ viết riêng.

Do vậy, chuyện vật đổi sao dời cũng chẳng thể nào ghi chép được. Tuy nhiên, chuyện của những cao niên trong dòng tộc mà ông sưu tầm được thì nhiều lắm. Trong số những câu chuyện ấy có cả chuyện kể về hành trình đi tìm đất định cư của người Mông Xanh.

Người già trong cộng đồng đều kể lại rằng, thuở trước, người Mông Xanh sống hoà thuận với các dân tộc khác tại một hòn đảo ở giữa biển khơi. Thế rồi, chiến tranh, bệnh tật, thiên tai đã khiến người Mông Xanh chết dần, chết mòn. Trước hoạ diệt vong này những người già trong tộc đã quyết định di cư, tìm vùng đất mới, nơi có cây cối tốt tươi, khí thiêng hội tụ. Họ đã vượt biển, qua đất Trung Hoa rộng lớn rồi tìm đến đất này.

Ông Sáng nhận định, người Mông Xanh đến đất này chỉ hơn 100 năm về trước. Cách đây mấy chục năm, khi người Mông Xanh sống tập trung tại bản Tu Thượng thì cả bản cũng chỉ có vài nóc nhà. Và, khi ấy, người Mông Xanh có 4 dòng họ là Thàng, Vàng, Giàng, Lý.

Mỗi dòng họ là một hộ gia đình (sau này dòng họ Thàng mắc bệnh tật nên chết quá nhiều, không còn người nối dõi nữa). Ngày ấy, hễ trong bản có công to việc lớn như cưới xin, ma chay… huy động tất cả cũng chỉ xếp đủ hai mâm cỗ.

Về đời sống văn hoá, tâm linh, ông Sáng cho biết, qua sách báo, phim ảnh, ông đã cố tìm ra nét tương đồng giữa đời sống văn hoá của người Nhật với người trong tộc mình. Thế nhưng, qua so sánh, ông Sáng chỉ thấy người Mông Xanh giống… người Kinh.

Người Mông Xanh ăn Tết Nguyên đán và cũng cúng tổ tiên vào ngày mùng một và ngày rằm hàng tháng. “Có thể khi về Việt Nam, quá trình giao thoa văn hoá khiến người Mông Xanh bị đồng hoá” - ông Sáng nhận định.

(Còn nữa)