Vụ việc bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường (Giám đốc Trung tâm thẩm mỹ viện Cát Tường, địa chỉ số 45 đường Giải Phóng, Hà Nội) phi tang xác nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền (Hàng Thiếc, Hà Nội) đến nay vẫn chưa tìm thấy xác vẫn đang thu hút dư luận.
Tuy nhiên, sau đó, ngày 1.11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội đã thay đổi quyết định khởi tố bị can Nguyễn Mạnh Tường với 2 tội danh là: Vi phạm các quy định về khám bệnh, chữa bệnh, pha chế thuốc, dịch vụ y tế (theo Điều 242 Bộ luật Hình sự) và Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt (theo Điều 246 Bộ luật Hình sự). Còn đối với đối tượng Đào Quang Khánh (nhân viên bảo vệ thẩm mỹ viện Cát Tường) bị khởi tố về tội Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt.
Sau khi nhận được thông tin này, phía gia đình nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền rất bất ngờ với quyết định từ cơ quan pháp luật. Đồng thời, gia đình chị Huyền giữ nguyên quan điểm cần khởi tố Nguyễn Mạnh Tường với tội danh Giết người.
Sự việc này vẫn đang gây tranh luận, nhất là việc xác nạn nhân Huyền đến thời điểm hiện tại vẫn chưa được tìm thấy. Nửa tháng sau ngày bị ném xác xuống sông Hồng (nếu lời khai của Tường là sự thật) thì liệu còn có thể khám nghiệm tử thi, tìm nguyên nhân cái chết không? Một người chết mất xác mà thủ phạm lại không bị tội giết người thì quả thực dư luận "không phục".
Chúng tôi mang ý kiến thắc mắc của độc giả gửi tới luật sư Tạ Anh Tuấn - Trưởng Văn phòng Luật sư Bách Gia Luật và Liên danh (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội). Theo luật sư Tuấn, việc khởi tố bị can Nguyễn Mạnh Tường theo Điều 242 và 246 Bộ luật Hình sự là chưa thỏa đáng.
Luật sư Tuấn phân tích: Xét về hành vi phạm tội của Tường không thoả mãn các yếu tố cấu thành tội phạm đối với tội danh này, bởi cơ sở thẩm mỹ viện Cát Tường do Nguyễn Mạnh Tường làm chủ, chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép hành nghề, ở đây là Sở Y tế Hà Nội.
Tuy nhiên, cơ sở này vẫn thực hiện phẫu thuật dẫn đến hậu quả chị Huyền bị tử vong. Tức là, người này không phải là bác sĩ có chuyên môn về phẫu thuật thẩm mỹ và cơ sở này cũng không đủ điều kiện hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ nâng ngực, hút mỡ bụng.
Vậy rõ ràng người này đã biết vi phạm nhưng vẫn cố tình vi phạm, ở đây là phạm tội cố ý và không cấu thành hành vi phạm tội xét theo Điều 242. Bởi truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 242 Bộ luật Hình sự phải thoả mãn nhiều dấu hiệu như: Dấu hiệu về chủ thể tội phạm, dấu hiệu về mặt khách thể, dấu hiệu về mặt khách quan cũng như chủ quan.
Về dấu hiệu hành vi khách quan, Thẩm mỹ viện Cát Tường không được phép phẫu thuật nâng ngực, hút mỡ bụng; không được Sở Y tế Hà Nội cấp phép nhưng vẫn thực hiện chức năng này. Thực tế hậu quả chết người đã xảy ra, do vậy hành vi làm chết người của ông Tường thực hiện là do lỗi cố ý gây ra nên không có cơ sở khởi tố Nguyễn Mạnh Tường về tội danh quy định tại Điều 242 Bộ luật Hình sự.
Dấu hiệu về mặt chủ quan ông Tường cũng không thoả mãn vì người thực hiện hành vi phạm tội vi phạm các quy định về khám chữa bệnh thực hiện hành vi do lỗi vô ý.
Nếu Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố bị can Nguyễn Mạnh Tường về 2 tội danh quy định tại Điều 242 và Điều 246 Bộ luật Hình sự cũng không có cơ sở, bởi quy định của pháp luật Việt Nam thì một hành vi phạm tội không thể truy cứu trách nhiệm hình sự về 2 tội danh được.
Như vậy, trong vụ án này hành vi làm chết người của ông Tường và sau đó ném xác chị Huyền xuống sông với mục đích là xoá dấu vết phi tang, che giấu hành vi phạm tội, nên không thoả mãn cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 246 Bộ luật Hình sự.
"Theo quan điểm của tôi, có đủ yếu tố để khởi tố Nguyễn Mạnh Tường về tội "Giết người"
theo khoản 2, Điều 93, Bộ luật Hình sự. Bởi hành vi phạm tội của người này trên cơ sở khi thực hiện
đã phạm lỗi cố ý gián tiếp gây chết người" - luật sư Tuấn đưa ra quan điểm.