Dân Việt

Bắt 2 nghi phạm truy sát người dân Văn Giang

23/07/2012 09:35 GMT+7
(Dân Việt) - Ngày 21.7, chỉ sau 10 ngày điều tra, Công an huyện Văn Giang đã bắt được 2 nghi phạm truy sát người dân xã Xuân Quan.

Trong khi đó, đã gần 3 tháng trôi qua, thủ phạm hành hung 2 nhà báo của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) vẫn chưa được xác định và vẫn chưa khởi tố vụ án...

Đại tá Ngô Xuân Phương - Trưởng Công an huyện Văn Giang cho biết, ngày 21.7, Cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Tuấn Dũng (35 tuổi, trú thị trấn Văn Giang) và Đinh Văn Huỳnh (28 tuổi, trú xã Liên Nghĩa) là những nghi phạm tham gia vụ hành hung 3 người dân xã Xuân Quan, huyện Văn Giang vào chiều 12.7.

Ngoài ra, Cơ quan điều tra còn xác định được 5 nghi can khác, nhưng các đối tượng đã bỏ trốn khỏi địa phương và đang bị truy bắt.

img
Hung khí mà các đối tượng hành hung người dân bỏ lại.

Như NTNN đã thông tin, khoảng 16 giờ ngày 12.7, có 6 người dân xã Xuân Quan rủ nhau ra khu vực ao cá gần cánh đồng khu Cầu Vai để xem hoạt động xây dựng Khu đô thị trên địa bàn. Sau ít phút, 6 nông dân này bị gần 20 thanh niên cởi trần, mặc quần cộc đi trên 5 - 6 xe máy đuổi theo và tấn công bằng gậy gộc.

Bị đánh bất ngờ, họ bỏ chạy vào nhà hàng xóm ở cùng xóm. Nhưng, ba ông: Đàm Văn Đồng (SN 1960); Đàm Văn Nghiệp (SN 1958) và Lê Thạch Bàn (SN 1939) vẫn bị các đối tượng truy đánh gây thương tích nặng phải nhập viện.

Như vậy, chỉ sau 10 ngày điều tra, truy xét, cơ quan điều tra đã nhanh chóng làm rõ các nghi can đánh đập truy sát người dân. Tuy nhiên, điều này khiến một số người quan tâm tỏ ra băn khoăn khi đề cập đến một vụ việc khác cũng xảy ra ở Xuân Quan cách đây 3 tháng với mức độ nghiêm trọng.

Đó là vụ việc xảy ra ngày 24.4.2012, khi 2 nhà báo Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long của Trung tâm Tin VOV đang tác nghiệp tại vụ cưỡng chế đất ở xã Xuân Quan thì bị một nhóm người mặc thường phục và sắc phục công an cản trở, đánh đập dã man.

Gần 3 tháng trôi qua, cơ quan công an vẫn chưa khởi tố vụ án "chống người thi hành công vụ" và chưa xác định được các đối tượng hành hung nhà báo. Trước sự việc này, có nhiều ý kiến cho rằng việc chưa khởi tố vụ án là do tỷ lệ thương tật của các nhà báo chưa đến 11%, nhà báo tác nghiệp thì không được gọi là thi hành công vụ, những người hành hung các nhà báo cũng là những người đang thi hành công vụ nên không thể coi hành vi hành hung là chống người thi hành công vụ…

Từ khía cạnh pháp lý, luật sư Trần Đình Triển - Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân (Hà Nội) phân tích: "Hai nhà báo được lãnh đạo VOV - cơ quan trực thuộc Chính phủ cử đi Hưng Yên theo dõi, nắm tình hình vụ cưỡng chế đất ở Văn Giang.

Theo luật sư Trần Đình Triển, trong luật chỉ quy định hành vi chống người thi hành công vụ chứ không có những quy định về người có hành vi đó là ai, đang làm công việc gì. Hơn nữa, cũng phải xác định rõ việc làm của những người này có đúng chức năng, nhiệm vụ mà họ được giao phù hợp với các quy định của pháp luật hay không.

Như vậy, có thể khẳng định 2 nhà báo này đang đi thi hành công vụ theo đúng quy định của pháp luật. Những ai có hành vi cản trở, hành hung, tấn công các nhà báo thì đương nhiên những người này có hành vi chống người thi hành công vụ, dù bất kể họ là ai và đang làm gì.

Xét trên khía cạnh mức độ thương tật, cho dù thương tích của 2 nhà báo chưa đến mức có thể khởi tố hình sự về hành vi cố ý gây thương tích (11%), nhưng như tôi đã nói ở trên, cơ quan tư pháp vẫn có thể khởi tố về hành vi chống người thi hành công vụ hay “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người đang thi hành công vụ (theo mục k Khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự”.

Để dẫn chứng lập luận này, luật sư Triển chỉ ra, hiện nay có rất nhiều đối tượng lưu thông trên đường, khi bị CSGT ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra đã không chấp hành hiệu lệnh, lao xe vào CSGT, đánh, làm rách hỏng cảnh phục của CSGT. Những trường hợp này dù đối tượng không gây thương tích nghiêm trọng cho nạn nhân nhưng vẫn bị khởi tố về hành vi chống người thi hành công vụ.

Ông Triển phân tích thêm: "Nếu như người đánh anh Năm và anh Long được xác định là những người đang thi hành công vụ (lực lượng công an, dân phòng của huyện Văn Giang hoặc tỉnh Hưng Yên tham gia vào vụ cưỡng chế đất đai) thì họ vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những việc họ làm.