Từ mờ sáng, hàng trăm cổ động viên đến từ khắp các tỉnh, thành ở ĐBSCL chen kín cả hội trường để cổ vũ cho "gà nhà" thi đấu. Không khí hội trường náo nhiệt, hội tụ đầy đủ sắc màu, cờ mão, đèn trống từ các cổ động viên. Ấn tượng nhất là "đội kèn tí hon" do đội nhà bố trí để cổ vũ chung cho 16 đội.
Phần thi “Lời chào nông dân” của đội Bình Dương. |
Rặt ri "hai lúa" miền Tây
Đúng 8 giờ, 148 thí sinh của 16 đoàn bước vào tranh tài quyết liệt để giành quyền vào vòng bán kết với các phần thi: "Lời chào nông dân và tài năng nông dân"; "Cùng nhau giải đáp"; "Đố nhà nông" và "Ai giỏi hơn ai". Những điệu lý, lời ru, điệu hò, những câu vọng cổ mùi mẫn da diết; hình ảnh chiếc áo bà ba, chiếc khăn rằn, xuồng ghe sông nước miệt vườn Cửu Long, cây trái đặc sản… mang đậm sự chân chất, hết sức giản dị, gần gũi của người dân Nam Bộ đều được các đội thi lồng ghép vào hội thi hết sức tinh tế.
Lãnh "ấn" tiên phong cho phần thi "Lời chào nông dân" là đội Long An gồm 9 thành viên. Nhờ được sự cổ vũ nhiệt tình từ các cổ động viên nên chị Quỳnh Thị Mỹ Hạnh - thành viên của đội đã giới thiệu khái quát hết sức ngắn gọn, cô đọng về tình đất, tình người của mảnh đất "Long An trung dũng kiên cường…".
Tiếp đến, với phần "Lời chào nông dân" hết sức vui tươi, ấn tượng của đội nhà Vĩnh Long do đội trưởng Võ Văn Phương lèo lái khiến cả hội trường rôm rả, sôi động hẳn lên. Kết thúc phần thi đầu tiên, đội nhà Vĩnh Long khiến cho Ban giám khảo, cả hội trường đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi xuống tận nơi mời Ban giáo khảo thưởng thức một số loại cây trái đặc sản của quê nhà.
Các cổ động viên cổ vũ nhiệt tình. |
Không kém phần đội bạn, trong vai các Táo quân, đội Bình Dương thể hiện hết sức ấn tượng đã cống hiến cho người xem những pha đã mắt, đậm chất “miền Đông gian lao mà anh dũng"! Lão nông Nguyễn Văn Công lặn lội từ huyện Trà Ôn, Vĩnh Long ngồi chăm chú theo dõi suốt cuộc thi tấm tắc khen: "Bà con mình thật là tài giỏi. Tuy chỉ là những diễn viên nghiệp dư nhưng họ diễn xuất hết sức ấn tượng".
Chung tay xây dựng nông thôn mới
Phần lớn các tiểu phẩm dự thi của 16 đội đều tập trung xoáy sâu vào các chủ đề về đề tài chung sức xây dựng nông thôn mới, ô nhiễm môi trường, các kiến thức truyền tải kinh nghiệm trong sản xuất, kiến thức nhà nông… với mục đích, ý nghĩa nhằm góp phần cải thiện đời sống bà con. Đúng 15 giờ, cuộc thi bước vào phần tranh tài hết sức quyết liệt giữa các đội ở phần thi "Cùng nhau giải đáp" và "Đố nhà nông". Các kiến thức về nông nghiệp, trồng trọt trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; cách phòng trừ sâu bệnh… được các thí sinh trả lời hết sức am tường, rành rọt.
Đội tuyển Hội Nông dân TP.HCM đoạt giải Nhất
Chiều tối 19.9, giải Nhất Hội thi đã được trao cho đội TP.HCM; giải Nhì thuộc về đội Hậu Giang. Ban tổ chức trao giải Ba cho đội Vĩnh Long và Cần Thơ; giải Trang phục dự thi đẹp nhất được trao cho đội Sóc Trăng và đội có màn chào hỏi, tài năng hay nhất cho đội Long An; đội có phần thi kiến thức hay nhất là đội Vĩnh Long. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 12 giải khuyến khích cho các đội còn lại.
Ở phần thi này, các đội đeo bám điểm số nhau hết sức quyết liệt. Đội chủ nhà Vĩnh Long đã "bứt phá" với phần kiến thức trả lời về các cách phòng trừ sâu bệnh trên đồng ruộng, nhận được số điểm khá cao từ Ban giám khảo. Chẳng kém cạnh gì đội chủ nhà, hai đội TP.Hồ Chí Minh và Bạc Liêu đã nhận được số điểm tuyệt đối về phần thi kiến thức. Tinh thần thi đấu của các đội hết sức "fair - play" khi ở phần thi "Cùng nhau giải đáp" của đội Tây Ninh không may rơi vào câu hỏi bị "bắt bí", cả hội trường vỗ tay cổ vũ tinh thần hết sức náo nhiệt nhằm vực dậy tinh thần cho cả đội. Càng về cuối giờ chiều, không khí của cuộc thi càng gay cấn, giằng co và hồi hộp. Trong phần thi “Ai giỏi hơn ai”, đội Tiền Giang đã hết sức ngoạn mục "tăng tốc" về đích giành được toàn bộ số điểm tuyệt đối trong số 16 đội.
Tại lễ khai mạc Hội thi, Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền (nhà tài trợ chính) đã trao 3 căn nhà tình thương, mỗi căn trị giá 20 triệu đồng cho 3 hộ ND nghèo ở huyện Trà Ôn và Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long.
Được thưởng suất đi... cồn!
Hội thi kết thúc, đội Bình Dương dự kiến đi du lịch ở Cồn Phụng (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre). Ông Nguyễn Minh Luân - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh cho biết: Bình Dương chỉ toàn đồi núi, đất đỏ và trồng toàn cao su nên nông dân chưa biết cồn (dải đất nằm giữa sông - PV), sau hội thi sẽ đưa anh em đi cho biết. Tất cả anh em trong đoàn đều rất háo hức chờ đợi được đi tham quan Cồn Phụng vì suốt ngày chỉ quanh quẩn với rừng cao su…
Thay đổi kịch bản giờ chót
Tiểu phẩm của đội Tiền Giang đã thay đổi vào giờ chót do lão nông Trần Hừng (đóng vai ông nông dân) kiếm không ra đôi dép. Ông Hừng nói vui: "Kịch bản tui có mang dép nhưng đến đây lại không có nên tui đi chân trần lên sân khấu. Do đi chân trần nên tui cũng phải xổ bỏ ống quần không còn chân thấp, chân cao cho phù hợp…".
Tranh thủ ôn bài
Rất nhiều thí sinh tranh thủ thời gian đội bạn lên sân khấu lấy bài ra học. Phần lớn là những kiến thức về kỹ thuật sản xuất nông nghiệp. Thí sinh Huỳnh Cẩm Tú đến từ tỉnh Trà Vinh cho biết: "Đoàn mới lên từ sáng sớm nên không có thời gian rảnh để tập dượt và ôn lại bài. Thời gian cận kề không biết có kịp không nhưng được chữ nào hay chữ nấy…". Thí sinh Lê Thị Ngọc Thu (đội Tây Ninh) cũng tranh thủ lấy bài ra ôn ngay bên hành lang hội trường. Thu bảo, có mấy chữ mà sao học hoài không thuộc nên tranh thủ lúc nào rảnh là học.
Làm Ngọc Hoàng, ông Táo... nực quá
Vừa từ sân khấu xuống thí sinh của đội Bình Dương vội ra phía ngoài thay y phục vì quá nóng. Những nông dân này đóng vai Ngọc Hoàng, Thổ Địa, ông Táo… mặc đồ rộng thùng thình và rất dày nên nóng nực, khó chịu. Vừa làm tiên trên sân khấu, nhưng ra ngoài đã là những nông dân chính hiệu.
Hoàng Mai - Hữu Danh
Đức Khánh