Ông Nguyễn Mạnh Tường, Giám đốc Công ty thương mại và dịch vụ tổng hợp Hà Nội (Servico Hà Nội) cho biết, 15 giờ chiều qua 23.7, từ Tanzania các thuyền viên đã lên máy bay bay về nước.
Trước đó, vào tháng 12. 2010, 12 thuyền viên Việt Nam gồm: 7 thuyền viên do Công ty Servico Hà Nội đưa đi; 4 thuyền viên do Công ty xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) và 1 của Công ty THHH một thành viên Vạn Hoa (Hải Phòng) đưa đi cùng 14 thuyền viên Trung Quốc, làm việc trên con tàu FV Shiuh 1 (Đài Loan) bị cướp biển Somalia tấn công, bắt giữ tại vùng biển Ấn Độ Dương.
Cướp biển Somalia với trang bị hiện đại luôn là nỗi ám ảnh của các thuyền viên làm việc tại vùng biển này |
Sau gần hai năm bị bắt giam, đêm 17.7, với sự nỗ lực của các cơ quan hữu quan, cướp biển trao trả các thuyền viên an toàn. Sau đó, các thuyền viên đã được tàu khu trục Trung Quốc có tên Chang Zhou tiếp nhận tại khu vực Vịnh Aden và đưa về Tanzania- nơi có Đại sứ quán Việt Nam và Trung Quốc. Tại đây, với sự giúp đỡ của Đại sứ quán Việt Nam, các thuyền viên đã được các doanh nghiệp phái cử mua vé báy bay về nước.
Chiều 23.7, bà Võ Thị Nhi, mẹ thuyền viên Lưu Đình Hùng, quê Nghi Tiến, Nghi Lộc (Nghệ An) cho biết: "Cùng với 4 gia đình khác ở Nghệ An, chúng tôi đã thuê một chuyến xe ô tô ra Hà Nội để đón các cháu về. Gần 2 năm trời trong vòng vây cướp biển, có những lúc chúng tôi đã nghĩ sẽ chẳng bao giờ có thể được gặp lại con. Rất mừng, qua điện thoại Hùng thông báo tinh thần và sức khỏe vẫn bình thường, dù có mất sụt vài kg".
Còn anh Nguyễn Văn Trung là anh trai của thuyền viên Nguyễn Văn Tâm quê ở xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cho biết: "Thời gian vừa qua, gia đình tôi rất lo lắng cho Tâm. Bố mẹ tôi vì thương nhớ Tâm nên đã đổ bệnh. Nay nhận được điện thoại của Tâm điện về tất cả 12 thuyền viên đã được giải cứu, sức khoẻ tốt, gia đình chúng tôi tôi mừng phát khóc".
Văn Hải - Hữu Anh