Mua dây buộc mình
BS Nguyễn Trung Cấp – Phó khoa Cấp cứu và điều trị tích cực – BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, chia sẻ:
Mới đây, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Văn M (Hòa Bình) men gan tăng cao và có dấu hiệu xơ gan vì chữa bệnh theo quảng cáo.
Người dân nên đến khám tại các cơ sở y tế tin cậy, không nên tin vào quảng cáo “thần dược”. |
Trước đó, anh M đi khám và được BV Đa khoa tỉnh chẩn đoán bị viêm gan B mãn tính, cần điều trị nội khoa. Các bác sĩ đã kê đơn thuốc để anh uống, ổn định sức khỏe.
Tuy nhiên, nghe quảng cáo trên đài về một loại thực phẩm chức năng, có tác dụng chữa dứt hẳn bệnh viêm gan B, anh M đã bỏ thuốc bác sĩ kê, chuyển sang dùng thực phẩm chức năng. Vì thế, bệnh của anh trở nặng.
Bệnh nhân khác là Vũ Hồng H (Xuân Trường, Nam Định) cũng vào cấp cứu tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương do bỏ thuốc insulin điều trị tiểu đường và uống thuốc của một thầy lang vườn bốc.
Các bác sĩ chẩn đoán máu của chị bị nhiễm acid vì đã bỏ thuốc insulin. BS Cấp cho biết, bệnh tiểu đường và viêm gan siêu vi B đều là bệnh mãn tính, phải điều trị cả đời, kết hợp với chế độ ăn uống khoa học và tập luyện thể dục.
Tuy vậy, vẫn không ít bệnh nhân tin vào lời quảng cáo, mua thuốc tự uống khiến bệnh trầm trọng hơn.
Tại Bệnh viện Việt Đức, các bác sĩ từng cấp cứu cho ca biến chứng hẹp hậu môn sau điều trị trĩ bằng “sóng cao tần” tại một phòng khám tư ở Hà Nội. Bệnh nhân này đến chữa bệnh chỉ vì nghe quảng cáo “điều trị trĩ 15 phút không đau, không chảy máu…”.
TS Lê Vương Văn Vệ - Giám đốc BV Nam khoa và hiếm muộn Hà Nội cho biết, BV đã phải “giải quyết hậu quả” cho nhiều ca đi chữa rối loạn cương dương hoặc vô sinh ở các phòng khám tư, các ông lang băm “nổ một tấc lên giời”.
Họ được uống một số loại thuốc không rõ nguồn gốc, khiến “lợn lành chữa thành lợn què”, đang hoạt động kiểu “năm thì mười họa”, uống thuốc xong thành vô phương cứu chữa.
Tin có chừng mực
Theo TS Vệ, trong thời buổi hiện đại, quảng cáo là một phương pháp cần thiết để các bệnh viện kéo bệnh nhân đến khám chữa bệnh. Tuy nhiên, quảng cáo phải đúng sự thật, vì bác sĩ cần có trách nhiệm với bệnh nhân của mình, không thể theo kiểu “đầu voi đuôi chuột”.
TS-BS Lê Vương Văn Vệ
Còn BS Cấp cho biết, chỉ cần làm một phép tính nhẩm nho nhỏ là có thể tính được mức độ tin cậy của “quảng cáo”.
Để có được những quảng cáo “ra rả” trên đài, trên tivi, một số phòng khám tư phải chi hàng tỷ đồng mỗi tháng. Và phòng khám sẽ “bổ đầu” để các bệnh nhân chịu số tiền khổng lồ này.
Như vậy, tiền khám, tiền thuốc mất một, mà tiền “gánh” cho quảng cáo gấp 10-20 lần. Và để thu lại tiền quảng cáo, tiền thuê mặt bằng, trả lương cao cho nhân viên, không ít phòng khám đã dùng nhiều thủ đoạn để “chặt chém” và chiêu bài “vừa chữa vừa dọa” khiến bệnh nhân sợ mà mở rộng hầu bao.
BS Cấp cho biết, tốt nhất, người dân khi có bệnh nên đến khám ở các trạm y tế gần nhất, để nghe các bác sĩ chẩn đoán bệnh và khuyên nên chữa ở đâu thì tốt hơn. “Nên tin vào người có chuyên môn thì sẽ hạn chế thấp nhất rủi ro mình gặp phải khi đi khám chữa bệnh” – BS Cấp nói.
Diệu Linh