Dân Việt

“Ma trận” chứng nhận GAP làm khó nông dân

25/07/2012 08:38 GMT+7
(Dân Việt) - Không chỉ có VietGAP, GlobalGAP mà còn có nhiều loại tiêu chuẩn chất lượng kiểu GAP khác đang đẩy nông dân rơi vào ma trận tiêu chuẩn chất lượng.

HTX Vú sữa Lò rèn Vĩnh Kim (Tiền Giang) từng được nhiều người biết đến với mô hình vú sữa theo chuẩn GlobalGAP. Thế nhưng những năm trở lại đây việc tiêu thụ vẫn èo uột, nhiều nông dân ngán ngẩm và muốn rút lui. Hiện thời hạn của chứng nhận đã hết nhưng các xã viên đều không muốn tái chứng nhận, một mặt do chi phí cao, mặt khác, hiệu quả mang lại từ tiêu chuẩn GlobalGAP chưa rõ ràng.

img
Nông dân đang “loạn” lên với đủ loại chứng nhận GAP.

“Mỗi nhà nhập khẩu đòi hỏi một kiểu tiêu chuẩn kỹ thuật khác nhau. Chúng tôi cứ ngỡ GlobalGAP là chứng chỉ toàn cầu nên đáp ứng được mọi yêu cầu của đối tác. Ngờ đâu…” - ông Nguyễn Văn Ngàn – Chủ nhiệm HTX Vú sữa Lò rèn Vĩnh Kim than thở.

Tại Đồng Nai, gia đình ông Nguyễn Năm (ngụ xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ) đang có gần 10ha rẫy cà phê. Vừa qua, nghe cán bộ khuyến nông nói nhiều về các tiêu chuẩn kỹ thuật GAP trên cà phê, ông cũng muốn chọn một phương pháp để áp dụng trên vườn nhà nhằm giảm chi phí sản xuất, phát triển bền vững vườn cây và hy vọng bán được sản phẩm với giá cao.

“Tôi nghe khuyến nông nói có tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất hữu cơ rồi nhiều tiêu chuẩn quốc tế khác như UTZ, tiêu chuẩn 4C và tiêu chuẩn Rainforest Alliance… Nhiều quá nên tôi chưa biết chọn kiểu nào để áp dụng” - ông Năm vừa mở tập sổ ghi chép vừa đọc.

Tại cuộc họp ban chỉ đạo VietGAP mở rộng do Bộ NNPTNT tổ chức mới đây, TS Nguyễn Minh Châu – Viện trưởng Viện Cây ăn quả Miền Nam cho biết, riêng về chứng nhận sản xuất an toàn trong nước đã có 3 cấp: VietGAP, sản phẩm hữu cơ và sản xuất theo hướng GAP. Tuy nhiên, theo ông Châu, chỉ nên tồn tại 2 cấp chứng nhận sản xuất an toàn là VietGAP và sản xuất hữu cơ.

“Thế nào là quy chuẩn kỹ thuật cho sản xuất theo hướng GAP? Hoặc là thực hiện GAP và được cấp chứng nhận hoặc là không chứ không nên tồn tại cấp độ sản xuất theo hướng GAP. Bởi cấp này lưng chừng ở giữa và rất dễ đánh lừa người tiêu dùng” – ông Châu phân tích. Theo ông Châu, riêng cấp sản xuất hữu cơ Việt Nam cũng đang lạc hậu so với các nước trong khu vực.

“Trung Quốc đã có chuối hữu cơ, Thái Lan, Ấn Độ rất nổi tiếng với khóm hữu cơ nên khi thị trường cần họ đã có ngay. Chúng ta thua rất xa nên phải có biện pháp thúc đẩy nhanh hơn nữa sản xuất hữu cơ” - ông Châu nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Cao Văn Hóa – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Tiền Giang cũng cho rằng, bảng giá cấp các chứng nhận GAP cũng rất cao, nông dân không kham nổi. “Chứng nhận VietGAP tốn 1,5 triệu đồng/ha, GlobalGAP 4 triệu/ha, các chứng chỉ quốc tế khác cũng có giá cao ngất ngưởng” - ông Hóa cho biết.