Viện phí bệnh viện tỉnh không thể bằng T.Ư
Trái ngược với quan điểm của Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXHVN), ngày 24.7, ông Nam Liên cho rằng, việc các bệnh viện (BV) tỉnh đề xuất mức viện phí mới tới 80-90%, thậm chí 100% mức khung mà Bộ Y tế quy định không có gì bất hợp lý.
Tham gia BHYT, người bệnh sẽ ít bị ảnh hưởng bởi giá viện phí mới. |
“Liên Bộ Y tế và Tài chính chỉ được giao nhiệm vụ ban hành khung giá dịch vụ y tế, còn giá cụ thể của BV T.Ư do Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định, các BV địa phương thì do Sở Y tế chủ trì họp các BV xây dựng cơ cấu giá của từng loại dịch vụ rồi trình UBND, UBND xem xét rồi trình HĐND. “Người” quyết định cuối cùng là HĐND chứ không phải BV muốn đề xuất thế nào cũng được” – ông Liên làm rõ.
Mức giá cũng phải dựa vào 2 yếu tố là định mức sử dụng vật tư, hóa chất, điện nước và giá thành của vật tư, hóa chất… chứ không phụ thuộc vào việc tỉnh nghèo hay giàu, T.Ư hay địa phương.
Theo phân tích của ông Nam Liên, việc các BV tính tiền giường bệnh và khám chữa bệnh 100% mức khung, không phải “khôn lỏi” như nhận định của đại diện BHXHVN. Bởi vì Thông tư 04 đã quy định rõ mức giá giường bệnh và tiền khám bệnh của từng loại BV.
Theo Thông tư 04, tiền khám bệnh của BV hạng đặc biệt là 20.000 đồng/người, hạng II là 15.000 đồng/người, hạng III và 10.000 đồng/người, hạng IV là 7.000 đồng và trạm y tế xã là 5.000. Tương tự, giá giường bệnh là 335.000 đồng (hồi sức đặc biệt), 150.000 đồng (hạng đặc biệt, hạng I), 100.000 (hạng II) và 70.000 đồng, 50.000 đồng đối với BV hạng III, IV.
“Như vậy, các BV tỉnh có tính 100% mức khung giá giường và khám chữa bệnh thì cũng chỉ bằng 70-80%, thậm chí 30% BV tuyến T.Ư. Vì thế, không thể hiểu BV tỉnh đề xuất mức giá giường và khám bệnh tới 90-100% mức khung của Bộ quy định là “đòi ngang với T.Ư trong khi chất lượng khám chữa bệnh và giường bệnh không bằng” – ông Liên cho biết.
Còn các dịch vụ khác, tùy vào khả năng, các BV sẽ xây dựng mức giá phù hợp và đã làm thì cũng sẽ như các BV T.Ư chứ không phải vì phẫu thuật ở tỉnh lại ít công đoạn, chi phí hay ít vật tư, thuốc hơn được. Hiện nay, có tỉnh chỉ đề xuất tăng giá hơn 200 dịch vụ so với 447 dịch vụ mà Bộ quy định. Thậm chí, khi BV T.Ư có mức tần suất khám chữa bệnh cao hơn, thì chi phí vật tư, hóa chất có thể sẽ rẻ hơn cả BV tỉnh.
Không lo vỡ quỹ bảo hiểm y tế
Theo ông Phạm Lương Sơn - Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT, (BHXHVN), chỉ có 10 tỉnh, thành phố (trong đó có Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng) chưa thông qua khung viện phí mới. Từ ngày 1.8, hơn 50 địa phương sẽ thực hiện thu phí dịch vụ y tế theo giá mới được HĐND phê duyệt.
Còn ông Nam Liên cho biết, hiện đã có 22 BV T.Ư (trong tổng số 38 BV) xây dựng xong giá viện phí mới với mức bằng 90-100% mức khung.
Theo ông Sơn, viện phí tăng sẽ có ít nhất 40 tỉnh đứng trước nguy cơ vỡ quỹ, trong đó tỉnh giàu thì vỡ quỹ, còn tỉnh nghèo lại dư quỹ. “Dự kiến, năm 2012, Quỹ BHYT sẽ bội chi khoảng 500 tỷ đồng, còn năm 2013 sẽ bội chi khoảng 1.000 tỷ đồng) – ông Sơn cho biết.
Tuy nhiên, ông Nam Liên rất lạc quan cho biết các năm 2010-2011, Quỹ BHYT đều có kết dư, viện phí mới chỉ có thể thực hiện đồng loạt vào quý IV nên khả năng vỡ quỹ vào năm 2012 là rất khó. Thậm chí, còn có thể xảy ra tình trạng “bao cấp ngược” khi các tỉnh nghèo, khó khăn lại dư quỹ nên phải bù cho các tỉnh giàu mà vỡ quỹ. “Đó là do tần suất khám chữa bệnh của người dân các tỉnh miền núi thấp, lại ít sử dụng các dịch vụ cao nên tiền BHYT chi trả thấp” – ông Nam Liên cho biết.
Ông Nam Liên cho biết thêm, do giá viện phí mới đã tính đúng, tính đủ nên người bệnh sẽ không phải chịu thêm các chi phí ngoài.
Diệu Linh