Giá bán nhãn hiện nay khoảng trên dưới 30.000 đồng/kg, cho lợi nhuận 200 - 300 triệu đồng/ha/năm, cao rất nhiều so với trồng lúa.
Cây nhãn yêu cầu ẩm độ đất cao, lượng mưa hàng năm từ 1.500 - 2.000mm. Khả năng chịu hạn kém, nhưng chịu bóng râm tốt. Thích hợp đất có độ pH khoảng 6,0 - 6,5 và kém thích nghi đất có độ axit cao. Nhãn thích hợp trồng trên đất pha cát có nhiều chất hữu cơ. Vì vậy những vùng đất giồng cát ở Bến Tre là vùng thâm canh nhãn nổi tiếng ở ĐBSCL.
Nhãn là loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao nhưng cũng dễ bị nhiều loại dịch bệnh gây hại. |
Hiện nay ở ĐBSCL hay cả nước đang áp dụng rất nhiều giống nhãn, như tiêu da bò, xuồng cơm vàng, long Hưng Yên, tiêu Huế… Bộ rễ nhãn chịu nước kém, nếu bị ngập trong thời gian dài sẽ bị thối rễ, chết cây. Do đó, muốn trồng nhãn cần chú ý đến việc bờ bao, cống bọng thoát nước cho nhãn trong mùa mưa lũ. Nên trồng nhãn trên mô đất được đắp thành hình tròn rộng 60 - 80cm, cao 50 - 70cm. Đất trong mô trộn với 10 -15kg phân chuồng hoai, tro trấu, 0,5kg phân lân và nên chuẩn bị mô từ 15 - 30 ngày trước khi trồng.
Do đất ở ĐBSCL thấp nên trồng cây ăn trái phải đào mương, lên liếp. Thường liếp rộng khoảng 8m, mương rộng 3 - 4m, sâu 1 - 2m. Khoảng cách trồng tùy thuộc vào đất đai và mô hình trồng, có thể chọn khoảng cách thích hợp là 6 x 5m, 6 x 6m, tương đương khoảng 300 - 350 cây/ha. Cần chú ý bón phân với tỷ lệ cân đối để đạt năng suất và chất lượng trái. Các nhà chuyên môn khuyến cáo áp dụng tỷ lệ N-P2O5-K2O là 1-0, 5-1 hoặc 1-1-2. Và áp dụng theo độ tuổi, sinh trưởng và sản lượng trái thu được.
Ví dụ, vườn nhãn nhiều năm cho thu hoạch khoảng 1 tấn quả tươi/năm thì bón lượng phân 20kg N + 10kg P2O5 + 20kg K2O, tương đương với 43kg urê + 63kg Supe lân + 33kg Kcl (chia ra cho tổng số cây và số lần bón) + phân hữu cơ càng nhiều càng tốt từ 30 - 100kg/cây. Tốt nhất bón 4 lần/năm vào các thời điểm tháng 8 - 9, đầu tháng 2, tháng 3 - 4 và lần cuối tháng 6 - 7.
(Còn tiếp)
TS Nguyễn Công Thành