Dân Việt

Sự cách tân của Ngược mặt trời

25/07/2012 12:13 GMT+7
Ngay tại buổi họp báo ra mắt lần đầu tiên tại Hà Nội hôm qua (24.7), tiểu thuyết Ngược mặt trời của nhà văn Nguyễn Một đã gây sự chú ý của khá nhiều nhà văn, nhà phê bình và báo giới.
Sự cách tân của Ngược mặt trời
Nhà văn Nguyễn Một tại cuộc họp báo

Sự cách tân của Ngược mặt trời 2

Nhận xét một cách tinh tế, nhà văn Tạ Duy Anh (NXB Hội Nhà văn), người biên tập cuốn sách này, cho rằng Nguyễn Một bằng tài năng của một tác giả tiểu thuyết chuyên nghiệp đã vượt qua được chính cuốn Đất trời vần vũ (đoạt giải thưởng tiểu thuyết 2010 của Hội Nhà văn) cũng của chính anh. Đánh giá Nguyễn Một ở mức độ cao hơn, nhà văn Văn Chinh cho biết ông thích đọc Ngược mặt trời hơn một số cuốn sách của tác giả danh tiếng nước ngoài. Tại cuộc họp báo, một số nhà văn, nhà phê bình nhận xét Ngược mặt trời là cuốn tiểu thuyết có dấu hiệu cách tân khi mỗi chương có thể là một truyện ngắn, một áng tản văn, thậm chí là một vở kịch với nhiều suy ngẫm về đời sống con người. Các nhà phê bình Chu Văn Sơn, Phạm Xuân Nguyên, Văn Giá cũng nhận định một hướng đi mới của tiểu thuyết hiện đại đã được Nguyễn Một trình bày lớp lang, bài bản trong Ngược mặt trời và đánh giá những đóng góp của nhà văn Nguyễn Một cho văn học đương đại Việt Nam ở lĩnh vực tiểu thuyết.       

Tâm sự với mọi người, nhà văn Nguyễn Một cho biết anh không đặt vấn đề cách tân tiểu thuyết, nhưng cố gắng làm sao đó cho độc giả đỡ mệt khi chia cuốn truyện thành các chương ngắn, có tiêu đề trước rồi mới bắt tay vào viết theo một cấu trúc có tổng thể chứ không phải chỉ là những chương đoạn rời rạc.

Phân tích về một tác giả tiểu thuyết không chịu cũ như Nguyễn Một, nhà văn Sương Nguyệt Minh đặt câu hỏi: “Phải chăng hành trình Ngược mặt trời là đi về phía bóng tối, đi về phía đêm đen của lịch sử, đi về ký ức đã bị thời gian úa vàng vùi lấp và rồi, nhà văn khám phá, ứng xử với những điều đã qua, những cái đã mất ra sao?”.

Và sau đó, Sương Nguyệt Minh lý giải: “Đi tìm cái đã mất trong mơ hồ, mông lung, Nguyễn Một đã xục xạo, lục tung cả quá khứ bi buồn. Hành trình tìm kiếm cho một kết quả không rõ ràng, cụ thể. Bay về phía mặt trời chỉ thấy hình ảnh đã mất hiện về thấp thoáng, chập chờn, méo mó nhưng cũng kịp gieo vào lòng người đọc niềm tin hy vọng với cái kết truyện sáng bừng”.

Ngược mặt trời là cuốn tiểu thuyết thứ hai của nhà văn Nguyễn Một, dày 200 trang được chia làm 23 chương với những câu chuyện đằng sau giám mục Bá Đa Lộc (Pigneau de Behaine) và những chỉ dụ cấm hành đạo của vua Minh Mạng. Tác giả cũng trở về đất nước Hoa Sứ trắng để lý giải sự diệt vong của cả một quốc gia. Không gian, thời gian quá khứ và hiện đại bị đảo lộn, hòa lẫn trong hành trình đi ngược mặt trời với nhiều nhân vật tôn giáo…

Trao đổi với Nguyễn Một tại cuộc ra mắt, một số nhà văn cũng cho rằng tiểu thuyết này là những mẩu vụn pha trộn cả thể loại truyện ngắn, kịch bản sân khấu, kịch bản phim, tản văn. Chính tác giả cũng nói: “Cuốn sách có thể làm phiền bạn vì câu chuyện hoang đường và những mảnh chắp vá rời rạc của cuộc đời, như giấc mơ buồn mà sau khi tỉnh dậy, bạn không thể kể lại một cách trọn vẹn”.

Theo Thanh Niên