Dân Việt

Gạo Việt ngược sang Thái: Nông dân lợi 1, doanh nghiệp lợi 10

23/08/2012 15:27 GMT+7
(Dân Việt) - Khi chương trình mua tạm trữ nửa triệu tấn quy gạo kết thúc vào ngày 10.8, giá lúa gạo trong nước không giảm mà bất ngờ tăng mạnh. Nhiều nông dân cho rằng giá lúa gạo tăng một phần do thương lái thu gom bán sang Thái Lan.

“Cả nhà đều vui”

Ngày 22.8, theo ghi nhận của phóng viên NTNN, tại các địa phương biên giới Tây Nam, thương lái Campuchia đặt vấn đề với nông dân gom mua gạo đủ các chủng loại, từ thấp cấp như IR50404 cho đến các gạo hạt dài và tấm thơm họ đều mua tất. Nhưng thu mua mạnh nhất là các giống chất lượng cao như OM4900 và OM4218.

 img
Nông dân huyện biên giới Đức Huệ (Long An) bán lúa OM4900 tại ruộng. Ảnh minh họa.

Ông Sáu Nhung - nông dân ở xã biên giới Hưng Điền, huyện Tân Hưng, Long An kể, các thương lái người Campuchia sang Long An lùng mua lúa, đặt vấn đề nhờ ông thu gom cứ mỗi mẻ tối thiểu 50 - 60 tấn để họ đưa sang Thái Lan, gạo gì họ cũng mua. Tuy nhiên, ông Nhung từ chối vì số lượng họ đặt quá lớn, ông không đáp ứng được.

“Lúa gạo vẫn chảy qua biên giới vì thương lái bên kia thu mua với giá cao. Tại sao họ mua giá cao mà vẫn có lời trong khi các công ty trong nước lại không làm được như thế là vấn đề cần phải lưu ý”.

Ông Lê Minh Đức

Ông Nguyễn Thanh Hồng - chủ doanh nghiệp xay xát lúa gạo ở huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang cho biết: "Năm nay thị trường lúa gạo diễn biến rất khó lường. Trong thời điểm thu mua tạm trữ giá lúa rất thấp, vậy mà sau khi mua tạm trữ xong bất ngờ giá lại đảo chiều tăng nhanh.

Nguyên nhân có thể do thị trường xuất khẩu hút hàng nên doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đẩy mạnh thu mua khiến giá tăng". Cũng theo ông Hồng, thời gian qua nhiều thương lái ở miệt Tiền Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang… có ghe lớn đã mạnh dạn đưa gạo qua Campuchia bán lẻ khiến giá lúa tăng lên.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, dù giá lúa tăng mạnh nhưng nhiều nông dân không vui vì trước đó họ đã bán sạch ngay sau khi thu hoạch để thanh toán nợ nần, lãi vay. So sánh giá lúa trong và sau chương trình tạm trữ, nông dân Trần Văn Út (huyện Đức Huệ, Long An) tiếc rẻ: "Cuối cùng chỉ có doanh nghiệp hưởng lợi, bởi trước đây một tháng chúng tôi bán cho họ với giá rất thấp. Ví dụ lúa IR50404 tháng trước họ mua dưới 4.000 đồng/kg, trữ trong một tháng được hưởng ưu đãi của Nhà nước về lãi suất, giờ lại lãi hơn 20% nhờ chênh lệch giá".

Giá lúa tăng cao

Theo cánh thương lái mua lúa tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, hiện giá lúa tăng rất cao và đã vượt mức 5.000 đồng/kg đối với lúa IR 50404 tươi. Cụ thể, lúa IR 50404 tươi thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp có giá 4.800 - 5.000 đồng/kg, tăng 400 - 500 đồng/kg so với mức giá cách đây một tuần.

Đặc biệt, ở những địa phương gần nhà máy xay xát, có đường giao thông thuận tiện, lúa IR 50404 tươi đã có giá 5.050 - 5.100 đồng/kg và 5.600 - 5.700 đồng/kg đối với lúa khô, đây là mức giá cao nhất kể từ đầu vụ hè thu đến nay. Tại chợ gạo Bà Đắc, huyện Cái Bè, Tiền Giang, giá gạo trong tuần qua cũng đã tăng 300 - 400 đồng/kg.

Cụ thể, gạo nguyên liệu của giống IR 50404 có giá 7.450 - 7.550 đồng/kg; 7.600 - 7.700 đồng/kg đối với gạo nguyên liệu của giống lúa hạt dài. Hiện gạo thành phẩm của giống lúa IR 50404 (tạo ra gạo 5% tấm) có giá 8.500 - 8.600 đồng/kg và 8.700 - 8.800 đồng/kg đối với gạo thành phẩm chế biến từ các loại lúa hạt dài.

Ông Lê Minh Đức - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An cho rằng, thị trường có sự cạnh tranh, giá lúa gạo tăng cao thì nông dân sẽ được hưởng lợi. Tuy nhiên, người dân cần phải hết sức cẩn trọng trong các giao dịch, hợp đồng mua bán phải rõ ràng để không bị thiệt hại.