Dân Việt

Dạy nghề cho nông dân mất đất

23/08/2012 09:18 GMT+7
(Dân Việt) - Trước thực trạng nông dân Ninh Bình đang nghèo hóa vì mất đất cho các khu công nghiệp, Hội Nông dân tỉnh đã tập trung toàn lực để dạy nghề tạo việc làm cho dân.

Những năm gần đây xung quanh thành phố Ninh Bình, thị xã Tam Điệp và một số huyện như Hoa Lư, Yên Mô… có đến hàng chục khu công nghiệp mới mọc lên, lấy đi hàng nghìn ha đất lúa, hoa màu. Kéo theo đó là hàng nghìn nông dân không còn đất sản xuất.

img
Học viên sau khi học nghề được nhận vào làm tại Công ty Thêu xuất khẩu Minh Trang.

Cạn kế mưu sinh

Bà Bùi Thị Hoa - Chủ tịch Hội Nông dân (ND) tỉnh Ninh Bình cho biết, đã có hàng nghìn hộ, với hàng chục nghìn lao động mất 100% đất sản xuất, trong đó nhiều hộ có tới 5 - 6 lao động. Mặc dù Nhà nước, tỉnh, huyện đã có nhiều chính sách ưu đãi đối với người dân mất đất, nhưng đời sống của bà con vẫn còn rất nhiều khó khăn.

"Mỗi năm cơ sở của tôi dạy khoảng 2 - 3 lớp với hơn 100 học viên. Dạy xong nếu học viên có nhu cầu tôi nhận vào làm tại công ty, hoặc giới thiệu vào làm ở các công ty khác”.

Bà Vũ Thị Hồng Yến

Xã Ninh Xuân, Ninh Hải (huyện Hoa Lư) có khá nhiều hộ bị mất đất do phát triển công nghiệp, giao thông. Ông Bùi Xuân Thủy- Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Hải cho hay: "Xã có 500ha đất nông nghiệp, với 3 HTX. Đất ít, nghề phụ không có nên thu nhập của người dân còn rất thấp, khoảng 7 triệu đồng/người/năm. Theo tiêu chí mới, xã còn hơn 10% hộ nghèo, mà nguyên nhân chính là do thiếu đất, hoặc mất đất sản xuất".

Ông Nguyễn Văn Tãnh ở thôn Tam Cốc nhiều năm nay phải mưu sinh bằng nghề đánh cá trên sông, vì không còn đất cày cấy. Ông Tãnh tâm sự: "Làm nông nghiệp mà không có đất thì khác nào… bút nhà văn hết mực. Không nghèo làm sao được".

Chủ động dạy nghề cho ND

Nhìn thấy rõ vấn đề phải cấp bách tổ chức dạy nghề để tạo việc, tạo thu nhập cho hội viên, nông dân, tuy nhiên khi triển khai các chương trình dạy nghề cho người dân, Hội gặp không ít khó khăn. Khó khăn vì các chỉ tiêu dạy nghề theo Quyết định 1956 lại do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý, nên muốn dạy nghề Hội phải tự xin chỉ tiêu với tỉnh.

Để giải quyết khó khăn đó, Hội đã liên hệ với các trung tâm dạy nghề, các công ty, cơ sở sản xuất mây tre đan, thêu, may mặc… để phối hợp dạy nghề. Tính đến hết tháng 6.2012, Hội ND tỉnh đã tập huấn và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hơn 91.000 lượt hội viên; trực tiếp dạy và cấp chứng chỉ cho khoảng 350 học viên; phối hợp với các đơn vị khác dạy nghề cho gần 6.000 học viên. Các nghề được Hội chọn dạy là may mặc, thêu, thủ công mỹ nghệ, cơ khí…

Bà Vũ Thị Hồng Yến - Phó Giám đốc Công ty Thêu xuất khẩu Minh Trang- doanh nghiệp phối hợp cùng với Hội dạy nghề cho nông dân chia sẻ: "Mỗi năm cơ sở của tôi dạy khoảng 2 - 3 lớp với hơn 100 học viên. Dạy nghề theo hướng vừa học, vừa làm rất hiệu quả, hầu hết các học viên sau khoá học đều có tay nghề khá".

Em Nguyễn Thị Thương ở thôn Côi Khê, xã Ninh Hải sau khi học hết THPT, được Hội ND giới thiệu vào học nghề tại công ty của chị Yến, sau gần 3 tháng em đã thạo nghề. Thương tâm sự: "Hiện ngày công của em đạt từ 70.000 - 80.000 đồng/ngày, số tiền không lớn, nhưng được cái gần nhà nên mỗi tháng em vẫn tiết kiệm được khoảng 2 triệu đồng".