Dân Việt

Xã hội hóa y tế: Bệnh nhân điêu đứng vì lạm thu

23/08/2012 14:23 GMT+7
(Dân Việt) - Ai cũng biết rằng giá dịch vụ là thuận mua vừa bán. Nhưng thực tế bác sĩ đã chỉ định thì bệnh nhân nào dám từ chối, dám mặc cả, nên bệnh viện nói phải trả thêm bao nhiêu, sẽ phải trả bấy nhiêu.

Khi điều chỉnh một phần giá viện phí, lãnh đạo Bộ Y tế cam đoan bệnh nhân được tính đúng, tính đủ, không phải thu thêm. Tuy nhiên, dưới hình thức “xã hội hóa” thiết bị y tế, người dân vẫn bị lạm thu.

Đủ loại chênh lệch

Tại Bệnh viện (BV) Bạch Mai treo một bảng giá dịch vụ y tế thực hiện trên máy xã hội hóa rất công khai. Theo đó, 20 dịch vụ chụp, chiếu, soi, siêu âm… giá tiền đều cao hơn giá Bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán. Cụ thể: Chụp X-quang giá dịch vụ là 65.000 đồng, BHYT chỉ chi trả 50.000 đồng; siêu âm màu mạch điện giá 140.000 đồng, BHYT thanh toán 120.000 đồng...

 img
Người bệnh có khả năng bị lạm thu từ dịch vụ y tế. Ảnh minh họa.

Một số dịch vụ không chỉ người nghèo mà người trung lưu đọc cũng phải “tê buốt” là chụp mạch vành bằng máy CT 64 dãy giá dịch vụ 2,7 triệu đồng, BHYT trả 900.000 đồng, nội soi phế quản khoa hô hấp giá 987.000 đồng, BHYT trả 75.000 đồng.

Kinh khủng nhất là chụp PET/CT giá dịch vụ là 28,2 triệu đồng, BHYT trả 19 triệu đồng. Có một số dịch vụ rất đơn giản nhưng cũng có máy xã hội hóa như siêu âm đen trắng giá dịch vụ 50.000 đồng, BHYT trả 20.000 đồng, đo mật độ xương giá dịch vụ 180.000 đồng, BHYT trả 80.000 đồng.

Chị Trần Thu Hồng (Con Cuông, Nghệ An) vừa đưa chồng lên khám ở Trung tâm U bướu, BV Bạch Mai cho biết, chồng chị được chẩn đoán bị u não, các bác sĩ chỉ định phải chụp PET/CT để có thể nhìn rõ tổn thương. Nhìn thấy bảng giá “xã hội hóa”, chị Hồng chỉ muốn đổ sập xuống vì sau khi điều trị ở BV tỉnh lên đến đây, gia đình chị đã khánh kiệt.

Chị mếu máo: “Các bác sĩ bảo nếu chụp thường thì khó nhìn thấy các tổn thương, có phẫu thuật cũng không chính xác. Ngoài ra, mổ sọ não bằng dao gamma cũng có giá dịch vụ là 45 triệu đồng mà BHYT chỉ chi trả 30 triệu đồng thôi. Gia đình tôi phải lo một khoản tiền rất lớn nữa”.

Theo ông Nguyễn Tá Tỉnh – Phó Giám đốc Trung tâm Giám định và thanh toán đa tuyến (Bảo hiểm xã hội Việt Nam): “Ai cũng biết là giá dịch vụ là thuận mua vừa bán. Nhưng thực tế bác sĩ đã chỉ định thì bệnh nhân nào dám từ chối, dám mặc cả, nên bệnh viện nói phải trả thêm bao nhiêu, sẽ phải trả bấy nhiêu”.

Chưa kiểm soát được

Không chỉ các bệnh viện tuyến Trung ương như BV Bạch Mai, K, Việt Đức, Nhi mà nhiều bệnh viện tỉnh, thành phố cũng có các thiết bị y tế xã hội hóa. “Do BV thiếu vốn đầu tư nên liên kết với các cá nhân mua máy móc, người bệnh sẽ được hưởng lợi từ các máy kỹ thuật cao này, tuy nhiên, nếu mỗi nơi mỗi giá sẽ xảy ra tình trạng bệnh nhân bị móc túi và bị lạm dụng chỉ định chiếu chụp, siêu âm bằng máy xã hội hóa” – ông Tỉnh cho biết.

Ông Lê Văn Phúc - Trưởng phòng Chế độ bảo hiểm y tế (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) cho biết, theo chủ trương xã hội hóa y tế của Bộ Y tế, nhiều BV đã phối hợp với các đơn vị đầu tư mua máy về đặt tại BV. Giá dịch vụ của máy xã hội hóa sẽ do BV tự xây dựng. Do mức viện phí chưa tính đến tiền đầu tư, khấu hao máy móc, tiền lãi nên giá dịch vụ của máy xã hội hóa bao giờ cũng cao hơn giá do Bộ Y tế quy định.

Tuy nhiên, ông Tỉnh cho biết, tại nhiều tỉnh, giá dịch vụ của máy xã hội hóa vẫn chỉ thu ngang với giá viện phí do Bộ quy định, mà đương nhiên phải có lãi họ mới làm. Như vậy, sẽ xảy ra tình trạng, cùng một máy nhưng mỗi nơi thu một giá.

Còn GS-TS Nguyễn Thanh Liêm - Giám đốc BV Nhi Trung ương cho biết, hiện tại BV chỉ có một máy chẩn đoán hình ảnh “xã hội hóa” do máy này có chi phí quá đắt (20 tỷ đồng), còn các máy móc khác, BV đều cố gắng đầu tư. “Khi xã hội hóa, người bệnh sẽ phải đóng phí cao hơn rất nhiều vì mục tiêu của các máy xã hội hóa này là thu tiền nhanh để thu tiền vốn về, sau đó mới tính đến lãi” - ông Liêm cho biết.