Dân Việt

Trượt đại học: Vẫn còn nhiều cách để tiến thân

14/08/2012 19:41 GMT+7
(Dân Việt) - Đầu tư học đại học cũng để tìm việc làm, có thu nhập. Đầu tư học nghề cũng chỉ vì mục đích đó. Nhưng học nghề ngắn hạn hơn, tìm việc làm tốt thì thu nhập vẫn cao...

Trong số hơn nửa triệu học sinh không đỗ đại học, có thể không ít em thất vọng đến mức cho rằng mình đã không có lối thoát, tương lai là mây mù. Nếu suy nghĩ như thế là quá thiển cận, bởi vì thời buổi này, phải nhìn rộng hơn về con đường lập nghiệp của bản thân.

Nhiều em quẫn trí không chỉ vì thi rớt, mà còn vì áp lực từ phía gia đình, dòng họ. Nhiều bậc cha mẹ quá coi trọng tấm bằng đại học nên đã trách mắng, thậm chí chì chiết, sỉ nhục con cái khi thi hỏng. Cả học sinh và các bậc phụ huynh nên bình tĩnh để tìm một giải pháp phù hợp, thanh niên ngày nay có nhiều lựa chọn để lập nghiệp.

Nhiều trường nghề đang tuyển sinh, chỉ cần đầu tư 2 năm học với học phí tương đối thấp, các em sẽ có trong tay một cái nghề. Nếu đi làm ngay cũng được, hoặc có điều kiện thì vẫn có thể học liên thông để có bằng chuyên môn, tay nghề cao hơn. Có những nghề rất “hot”, ra trường có việc làm ngay, mức lương khá và ổn định, hơn khối người tốt nghiệp đại học nhưng mò việc nhiều năm không ra. Nếu biết tính toán, các em có thể theo học một số nghề phù hợp với nhu cầu xuất khẩu lao động, cơ hội sẽ tốt hơn nhiều.

Hiện nay, có nhiều thị trường xuất khẩu lao động mở ra, mức lương từ khá đến rất cao, yêu cầu lao động có tay nghề vững vàng. Nếu có sự chuẩn bị tốt, cơ hội ra nước ngoài làm việc là hoàn toàn có thể. Trên thực tế, không ít em đi xuất khẩu lao động, đã tích lũy cho mình được vốn liếng tiền bạc, đặc biệt là vốn liếng ngoại ngữ, kinh nghiệm làm việc. Họ đã thành công hơn rất nhiều người có bằng đại học.

Đầu tư học đại học cũng để tìm việc làm, có thu nhập. Đầu tư học nghề cũng chỉ vì mục đích đó. Nhưng học nghề ngắn hạn hơn, tìm việc làm tốt thì thu nhập vẫn cao. Vậy tại sao không mạnh dạn thực hiện khi mình không thi đỗ đại học?

Báo chí vừa đưa tin về các doanh nhân nghìn tỷ của Việt Nam không học đại học như ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai, ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen, ông Dương Ngọc Minh – Chủ tịch Công ty Thủy sản Hùng Vương. Đó là những gương mặt đại gia mà ai cũng biết, còn doanh nhân thành đạt không có bằng đại học rất nhiều, kể ra không hết. Làm được gì cho mình và cho cuộc đời mới là mục tiêu, còn bằng cấp chỉ là phương tiện. Phương tiện thì nhiều, đâu chỉ một loại là bằng đại học.