Dân Việt

Đăk Lăk: Nhọc nhằn dự án di dân

16/09/2010 07:21 GMT+7
(Dân Việt) - Vài năm trở lại đây, người dân ồ ạt đổ xô vào rừng phát nương làm rẫy khiến diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn xã Ea Kiết, huyện Cư Mgar, tỉnh Đăk Lăk bị thu hẹp trầm trọng.

Vết dầu loang giữa đại ngàn

Năm 1997, tại tiểu khu 540 Lâm trường Buôn Ja Wầm (thuộc Công ty Đầu tư phát triển Buôn Ja Wầm) xuất hiện một số hộ đồng bào Mông di dân từ các tỉnh phía bắc, vào làm lán trại phá rừng làm rẫy và sinh sống trước sự ngỡ ngàng của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.

img
Rừng tại tiểu khu 540 bị chặt phá.

Theo chân các nhân viên quản lý bảo vệ rừng, sau gần một buổi băng rừng, trèo đèo, vượt suối chúng tôi đến một làng người Mông đang sinh sống heo hút giữa bốn bề núi rừng. Qua tìm hiểu được biết, ban đầu làng này chỉ có 4 hộ, nhưng rồi số lượng tăng vùn vụt theo cấp số nhân, cho đến thời điểm này, đã lên tới 115 hộ với hơn 600 nhân khẩu và đang làm nương rẫy trên 400ha.

Hiện nay diện tích rừng bị phá tiếp tục tăng do nhu cầu cuộc sống và áp lực dân số ngày càng tăng. Anh Mai Văn Chung, người dân sống ở đây cho hay: Gia đình anh vào đây được gần 5 năm, đã có hơn 4ha rẫy với hơn 350 cây cà phê, gần 100 cây điều, đủ sống cho 5 nhân khẩu.

Còn gia đình anh Hoàng Văn Muốn và chị Dương Thị Dự, với 5 người cũng vào đây sinh sống được 5 năm, làm được 2ha rẫy, chỉ trồng lúa, bắp và đậu. Thôn trưởng Hoàng Chu Páo cho biết: Bà con ở đây sống khổ vì không điện, không đường, không trường, không trạm… tất cả đều tự cung tự cấp, mùa mưa lũ cả thôn bị cô lập.

Cuộc sống quá khó khăn nên người dân vào rừng săn bắn hay phá rừng làm rẫy. Lợi dụng thói quen này, bọn lâm tặc trà trộn vào làng, thuê người khai thác gỗ lậu với những đồng tiền công hết sức rẻ mạt. Rừng ngày càng bị tàn phá nặng nề trước sự bất lực của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.

Liệu có di dời được dân?

Theo ông Dương Văn Sơn - Phó Giám đốc Công ty Buôn Ja Wầm, hiện nay, dự án tái định cư đã đi vào khởi công giai đoạn đầu như san ủi mặt bằng và sẽ hoàn thành vào đầu năm 2011.

Trước tình hình căng thẳng và phức tạp trên, năm 2009 UBND tỉnh Đăk Lăk đã ra chỉ thị di dời các hộ đang sinh sống tại tiểu khu 540 ra khỏi rừng, nhằm ổn định đời sống người dân và bảo vệ rừng, khôi phục lại những cánh rừng đã bị mất.

Khu tái định cư cho 115 hộ này có tổng diện tích 15ha nằm trên tiểu khu 547, gần đường quốc lộ rất thuận tiện cho việc giao thương có tổng vốn trên 18,7 tỷ đồng. Diện tích nương rẫy của các hộ dân trong tiểu khu 540 sẽ được công ty tạo điều kiện cho liên kết trồng rừng cũng như hoa màu; lợi nhuận ăn chia theo thoả thuận, đổi lại người dân sẽ có một hệ thống điện, đường, trường, trạm… đáp ứng đầy đủ nhu cầu sinh hoạt.

Song sau khi triển khai, dự án vướng phải nhiều vấn đề bất cập khó lường, đó là tâm lí quen với tập tục du canh du cư nên dân không chịu di dời.