Chị Nguyễn Thị Thu Vân (phải) và vợ chồng anh Sang. |
Khốn đốn vì hầu án
Từ ngày bị bắt đến nay, chị Duyên, cháu Hùng đã phải đi lại từ Bình Phước đến Tuy Đức ít nhất là 40 lần. Đường sá xa xôi, mỗi lần như thế tiết kiệm lắm, hai mẹ con cũng phải chi tiêu hết 500.000 đồng. Đã thế đôi khi công an gọi đến chỉ để nói một câu “chúng tôi nhớ nhầm lịch” rồi cho về. Không có tiền nhưng vì việc không thể đừng, chị đã đi vay tiền với lãi suất 5%/tháng. Lúc bị bắt, Hoàng Phương đến gặp chị hứa và sẽ “lo” cho anh Đẹp tại ngoại. Thấy Phương hay đi chơi cùng với công an bên Tuy Đức nên chị Duyên đã tin tưởng, vay 6 triệu đồng để đưa cho hắn. Giao tiền xong, mà anh Đẹp vẫn không được thả. Hỏi ra, chị Duyên mới biết mình một lần nữa bị lừa.
Trong cuốn sổ ghi nợ của chị Duyên, từ sau tháng 3-2010 đến nay, chị đã vay đến 67 triệu đồng. Mảnh đất chị đang ở đã được cầm cố để vay 30 triệu đồng. Số tiền còn lại chị cũng nhờ bà con cầm cố đất để vay giúp. Tất cả số nợ ấy đều được hẹn đến mùa điều sẽ trả đủ nếu không chủ nợ có quyền lấy đất. 67 triệu mỗi tháng “đẻ” ra hơn 10 triệu tiền lãi; nếu không trả được lãi, đến tháng kế tiếp số tiền lãi này lại thành tiền gốc. Trong khi đó khoảng 5 tháng nữa mới đến mùa điều mà nhà chị Duyên bây giờ chẳng biết xoay đâu ra tiền…
Từ ngày anh Đẹp bị bắt, ngoài tiền vay nuôi con, chị Vân còn vay hơn 30 triệu đồng (lãi suất 5%/tháng) để đi “lo” cho chồng và để cho chồng đi hầu án. Mảnh đất duy nhất của chị ở huyện Bù Đốp đã phải cầm cố. “Nếu anh Đẹp đi tù thì tôi chỉ còn nước dẫn con… đi ăn xin thôi”- chị Vân nói trong nước mắt.
Không phát rẫy sao có tội?
Theo kết luận điều tra số 19 ngày 1-7-2010, do ông Dương Danh Quế - Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tuy Đức ký thì diện tích rừng bị thiệt hại 2,33ha, trạng thái rừng lồ ô xen gỗ với tổng giá trị thiệt hại hơn 6,1 triệu đồng. Tang vật công an thu giữ được là 3 cây rựa.
Kết luận này công nhận chị Duyên đã thuê 10ha đất của Hoàng Phương (SN 1981) với giá 37 triệu đồng, đã đưa cho Phương 8 triệu. Kết luận cũng thể hiện, chị Duyên không hề tham gia phát rẫy. Thế nhưng trong khi chị Duyên bị truy tố thì đối tượng Hoàng Phương- nhân vật mấu chốt của vụ án không được đề cập đến. Lý do mà Công an huyện đưa ra là Phương đã bỏ trốn.
Theo đơn kêu cứu, chị Duyên cho biết, ngày 27-2 ông Hùng- điều tra viên Công an huyện Tuy Đức- đã đến dẫn chị lên công an, hai người có ghé qua nhà Hoàng Phương. Lúc này, ông Hùng có lấy giấy để lấy lời khai của Phương. Phương cũng khai nhận chuyện cho chị Duyên thuê đất. Nhưng sau đó, Phương cho biết mình có quen một số người trên Đăk Nông nên ông Hùng đã vứt giấy, đưa một mình chị Duyên về trụ sở.
Để tìm hiểu việc Phương có bỏ trốn hay không, ngày 10-9, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Đình Khuých - Trưởng công an xã Đăk Nhau. Ông Khuých khẳng định, Phương không hề bỏ trốn. Theo tin báo của các công an viên thì Phương hiện ở Ngã ba Đông Dương (xã Đăk Ngol, huyện Tuy Đức), mỗi tuần đều về nhà một lần.
Ngày 6-8-2010, Công an xã đã làm việc với Phương vì một vụ gây rối trật tự công cộng (xảy ra sau ngày đám cưới của Phương hôm 28-7). Ngày 18-8, Phương đã đến xã để đăng ký kết hôn với cô Trần Thị Kiều Diễm (SN 1991, trú tại ấp Tấn Công, xã Tân Bằng, huyện Bình Thới, Cà Mau).
Ông Khuých khẳng định, từ ngày 25-2 đến ngày 1-7 (trong khoảng thời gian Công an huyện Tuy Đức điều tra vụ án), phía Công an huyện Tuy Đức chưa hề liên hệ làm việc với ông. Trong nhật ký công tác của ông Khuých từ tháng 2-2010 đến nay cũng không thể hiện việc Công an Tuy Đức có đến đây làm việc.
Anh Đẹp, chị Duyên đều mù chữ. Có thể họ chỉ là nạn nhân của một chiêu lừa rất tinh vi. Không lâu nữa họ phải hầu tòa. Hy vọng rằng, Toà án nhân dân huyện Tuy Đức sẽ có phán xét khách quan, bảo đảm đúng người, đúng tội.
Duy Hậu