Dân Việt

Không nên thiếu tầm nhìn trong phát triển hạ tầng

17/09/2010 03:55 GMT+7
(Dân Việt) - Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011 - 2020 đang được rất nhiều chuyên gia quan tâm, góp ý kiến. NTNN đã phỏng vấn chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành về một số điểm chính trong Dự thảo văn kiện này.
img
Phát triển kinh tế mà không coi trọng môi trường sẽ gây ra những tác hại khó lường. Ảnh chụp các hồ nuôi tôm của nông dân Đồng Nai bị ô nhiễm do Công ty Vedan gây ra.

Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội chỉ rõ nhiều điểm nghẽn, “nút cổ chai” của nền kinh tế, trong đó nhấn mạnh kết cấu hạ tầng yếu kém. Theo ông, nguyên nhân tình trạng này là do đâu?

- Phát triển hạ tầng thời gian qua nhìn chung đã có sự khởi sắc nhất định. Đường sá, hệ thống cầu cống, sân bay, cảng biển... ít nhiều đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và nhà đầu tư. Tuy nhiên, nói một cách thẳng thắn, hạ tầng của Việt Nam vẫn chưa thực sự hỗ trợ phát triển. Đường cao tốc của ta hiện xe mới chạy 80-100km/giờ, trong khi các nước đã trên 150- 200km/giờ. Hoặc như TP. HCM là địa phương có cơ sở hạ tầng khá tốt, nhưng nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào đây vẫn e ngại bởi cảng biển của thành phố rất nhỏ, còn đường ra cảng suốt ngày ùn tắc.

Tôi nhớ cách đây 2 năm, hãng Nike (Mỹ) đóng ở Bình Dương muốn tăng sản lượng sản xuất giày lên vài trăm triệu đôi/năm, nhưng họ không thực hiện được bởi hệ thống giao thông, cảng biển của TP. HCM không đáp ứng được... Nguyên nhân chính do chúng ta thiếu tầm nhìn trong quy hoạch phát triển hạ tầng.

Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 7-8%/năm. GDP năm 2020 theo giá so sánh bằng khoảng 2,2 lần so với năm 2010. GDP bình quân đầu người theo giá thực tế đạt khoảng 3.000-3.200USD. Tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ chiếm khoảng 85% trong GDP. Giá trị sản phẩm công nghệ cao đạt khoảng 45% trong tổng GDP...
(Trích dự thảo Văn kiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 - 2020)

Tầm nhìn ở đây được hiểu như thế nào, thưa ông?

- Nói một cách nôm na thì tầm nhìn nghĩa là cái nhìn xuyên suốt, lâu dài. Nếu quy hoạch hạ tầng cứ theo tư duy nhiệm kỳ, chắc chắn hạ tầng của ta vẫn sẽ còn lạc hậu, trì trệ. Ví dụ, chúng ta xây dựng sân bay Nội Bài (Hà Nội) hiện chỉ đón được 10 triệu hành khách/năm, trong khi đáng lẽ phải có tầm nhìn để quy hoạch đón khoảng 60 triệu hành khách vào năm 2020.

Hoặc ở vịnh Vân Phong (Khánh Hoà) lý ra phải quy hoạch vài chục đến vài trăm năm nhằm xây dựng vịnh thành một trung tâm trung chuyển hàng hoá lớn của thế giới; nhưng hiện vùng vịnh này đang bị “chia nhỏ” cho nhiều nhà đầu tư. Tôi nghĩ, trong Dự thảo văn kiện cần bổ sung, nêu rõ tầm nhìn trong quy hoạch phát triển hạ tầng như là một yêu cầu cấp thiết, quan trọng.

Môi trường là một trong 3 yếu tố của tam giác phát triển (cùng với kinh tế và xã hội) nhưng trong Dự thảo văn kiện đã không được nhấn mạnh như 2 yếu tố trên. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

- Cách đây vài năm, khi cảnh báo về yếu tố môi trường, tôi đã viết báo cáo cho lãnh đạo đất nước. Tôi nói, phát triển kinh tế của Việt Nam chỉ cần khoảng 60-70 năm để đuổi kịp các nước, nhưng nếu huỷ hoại môi trường sẽ mất hàng nghìn năm chưa chắc đã phục hồi được. GDP, thu hút đầu tư là quan trọng, nhưng tôi nghĩ đó không phải là vấn đề cốt lõi của một dân tộc. Đừng quá mải chạy theo tăng trưởng GDP. Tôi nghĩ vấn đề môi trường phải hết sức thận trọng và có quan điểm mạnh mẽ hơn. Việc Công ty Vedan phá hoại sông Thị Vải kéo theo đó là hàng nghìn, hàng triệu người dân sống ven sông chịu ảnh hưởng sức khoẻ, trí tuệ...

Xin cảm ơn ông!

Ông Vũ Đình Ánh - nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính): Việt Nam có điều kiện phát triển nhanh

Tôi nghĩ quan điểm phát triển nhanh gắn liền với bền vững trong giai đoạn từ 2011 - 2020 là phù hợp. Phát triển bền vững là cơ sở để phát triển nhanh; phát triển nhanh nhằm tạo nguồn lực phát triển bền vững.

Quy mô của nền kinh tế của Việt Nam hiện quá nhỏ, nếu cứ duy trì tốc độ tăng trưởng GDP 4-5% chắc chắn sẽ tụt hậu sâu với các nước. Cá nhân tôi đánh giá, nước ta có điều kiện để phát triển nhanh bởi chính trị ổn định; nguồn nhân lực rẻ, dồi dào; môi trường đầu tư thông thoáng... Do đó, đẩy tốc độ tăng trưởng lên cao là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn mới, khoảng 7-8%/ năm như dự thảo đưa ra là phù hợp. Còn muốn duy trì nhanh tốc độ phát triển này một cách bền vững, trước hết phải chú ý giải quyết vấn đề bình đẳng xã hội, nguồn lực và đặc biệt là môi trường.

Tôi đồng ý với quan điểm của nhiều ý kiến khác là phát triển kinh tế- xã hội phải luôn đi cùng với bảo vệ môi trường và cải thiện môi trường. Nếu không làm được vậy, tăng trưởng sẽ khó bền vững, không có ý nghĩa.