Người dân, nói thẳng ra là nông dân thường gắn với từ "làm". Làm để trang trải, để lo toan cuộc sống hàng ngày. Bao nhiêu đời nay vẫn thế, cứ phải làm để lo cái ăn trước, "tay làm hàm nhai". Nông dân bây giờ chưa thể gọi là giàu, nhưng cùng sự phát triển của kinh tế-xã hội, bên cạnh cái làm đã xuất hiện nhu cầu chơi.
VN vốn được coi là một trong những quốc gia yêu thể thao, yêu bóng đá. Chưa ai tính được tỷ lệ bao nhiêu phần trăm người nông dân VN yêu bóng đá nhưng rõ ràng nông dân không chỉ yêu bóng đá mà còn phải chơi bóng đá. Người dân vẫn phải lo làm, vẫn phải đổ mồ hôi trên những cánh đồng và họ cũng sẽ cảm giác hạnh phúc khi được đổ mồ hôi trên sân bóng đá.
Không phải ngẫu nhiên mà Giải Bóng đá Nông dân toàn quốc lần thứ nhất lại được ủng hộ nhiệt liệt đến như vậy. Một giải đấu mang tầm quốc gia, khác xa hình ảnh các đội bóng đá làng hẹn nhau thi đấu trên sân ruộng.
Thể thao có sức mạnh liên kết mọi người, tạo ra niềm vui và có khả năng tái sản xuất sức lao động. Ở thời điểm hiện tại, khi nông thôn đang bị đô thị hóa mạnh thì thể thao lại mang một nhiệm vụ khác, rất quan trọng: Góp phần ngăn chặn và đẩy lùi những tệ nạn xã hội.
Cũng không phải ngẫu nhiên, ở rất nhiều nơi tại ĐBSCL, đã có hàng trăm, hàng ngàn người nông dân tự bỏ tiền ra làm sân bóng, để cho những người nông dân như mình cùng chơi bóng.
Ý nghĩa của một giải đấu không chỉ là tìm ra nhà vô địch mà còn là tạo ra một phong trào rộng khắp, tạo ra tâm lý mình đã có một sân chơi riêng để có những hoạt động lành mạnh, có ích. Đó là mục đích thực sự: Dân đã làm thì dân phải được chơi.
Vi Thành