Ảnh minh họa |
Ngày 17-9, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Hóa Sinh biển, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển thuốc (Viện KH&CN Việt Nam) cho hay, ở nước ta hiện nay hoàn toàn có đủ quy trình, công nghệ để tái chế được thuốc tamiflu đã hết hạn.
Việc tái chế này không chỉ giúp tiết kiệm được nguồn chi phí rất lớn thay vì phải mua thuốc mới, mà còn hạn chế việc phải nhập khẩu thuốc, nguyên liệu sản xuất thuốc tamiflu từ nước ngoài. Nếu trong phòng thí nghiệm thu được 80% hoạt chất Oseltamivir thì sản xuất công nghiệp sẽ thu được 60 - 70%.
Làm một phép tính đơn giản, với lô thuốc nhập 280 tỷ đồng từ năm 2006 mà Bộ Y tế đang định tiêu hủy, chi phí cho tái chế khoảng 10 - 15 tỷ đồng nhưng sẽ thu hồi được lượng hoạt chất trị giá 200 tỷ đồng. Như vậy, so với phương án tiêu hủy toàn bộ thì việc tái chế 9,7 triệu viên tamiflu hết hạn sẽ tránh được sự lãng phí cực lớn tiền bạc của nhà nước.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia về dược của Bộ Y tế, thuốc sản xuất từ tiền chất oseltamivir phosphate thu được từ tái chế chỉ có thời hạn sử dụng 1 năm. Do đó, hiệu quả kinh tế từ việc tái chế thuốc cũng chưa thực sự chắc chắn.
Hồng Hoa