Những bài viết (entry) trên blog có giọng điệu tự nhiên, thoải mái. Chúng nói thật, nói thẳng những suy tư, tình cảm của người viết. Chung lại, chúng mang đậm cái riêng, cái cá nhân của tác giả.
Vậy tại sao cũng những học sinh, những cá thể đó thôi, khi làm văn ở lớp thì lại gượng gạo, xơ cứng, để cho ra đời những bài văn khuôn sáo, giả tạo? Câu trả lời thiết tưởng đã rõ: Cách dạy văn trong nhà trường của ta không kích thích sự học văn của học sinh.
Điều này trước hết mâu thuẫn với chính bản chất của văn chương. Tác phẩm văn chương luôn là một hệ thống mở, để ngỏ cho nhiều cách cảm thụ và tiếp nhận đa dạng, khác nhau. Văn bản chỉ có một, nhưng tác phẩm là vô số vì có vô số người đọc, và không tác phẩm nào giống nhau vì mỗi người đọc là một chủ thể độc lập, độc đáo.
Ở các trường học nước ngoài, từ lâu người ta đã áp dụng lý thuyết này vào việc dạy văn. Một bài thơ, bản truyện được dạy bằng cách thầy cô đưa văn bản cho học sinh đọc, sau đó từng em phát biểu cảm nhận của mình. Thầy cô có thể gợi mở, dẫn dắt, chứ không áp đặt.
Ở ta, trong sách giảng văn, sau mỗi văn bản (mà thường vẫn gọi là “tác phẩm”) đều có bảng câu hỏi hướng dẫn, gợi ý, nhưng thực chất những câu hỏi đó là đã định hướng, quy định và nắn dòng người đọc (học sinh) theo một cách hiểu bó buộc của sách giáo khoa, của người viết sách, không để sự tự do lựa chọn cho người học.
Học sinh phải học, ôn luyện theo như thế thì mới đi thi được. Lối học gì thi ấy thực chất và thực tế đã giết chết tinh thần sáng tạo của học sinh, biến họ thành những kẻ bị cưỡng ép học vẹt, bị sa vào trạng thái vô hồn.
Thay vì học Chí Phèo - thi Chí Phèo, lẽ ra nên coi truyện ngắn này là một trường hợp để phân tích, giới thiệu cho học sinh biết thế giới tư tưởng và nghệ thuật của Nam Cao, từ đó khi thi sẽ để học sinh bàn về một truyện ngắn khác của nhà văn trên cơ sở những kiến thức cơ bản đã được dạy và cảm nhận, đánh giá riêng của mỗi người.
Tất nhiên làm theo cách sau này thì phải thay đổi hoàn toàn và triệt để quan niệm và phương pháp dạy-học văn trong nhà trường, cũng như cách chấm điểm và đánh giá học lực và năng lực văn của học sinh.
Phạm Xuân Nguyên