Những chàng trai có hình thể chuẩn, cởi trần, vẽ sơn lên người đứng lặng thinh hàng giờ đồng hồ trong một triển lãm để người khác nhìn ngắm, thậm chí sờ mó. Có khi một đám nam sinh bỗng dưng nhảy múa ầm ĩ giữa phố phường để câu kéo người ta tới xem sản phẩm sắp ra mắt…
Đã xa rồi những cái nghề được giới sinh viên ưu thích như gia sư, bưng bê tại các quán cà phê, tiếp thị gas, giờ đây PB xuất hiện như một tất yếu của sự phát triển và nhanh chóng trở thành nghề “hot” trong giới trẻ nói chung, với các nam sinh viên có vẻ ngoài điển trai, ưa nhìn nói riêng.
Tuy nhiên đằng sau sức hấp dẫn về thu nhập và ánh hào quang của một nghề part-time (bán thời gian) mới mẻ ấy là những câu chuyện dở khóc, dở cười, thậm chí là những tai nạn không ai có thể ngờ được. Tất cả có thể xảy ra với bất kỳ một PB nào, dù mới vào nghề hay đã là cựu binh.
Làm nhân tượng là công việc có thu nhập hấp dẫn của các PB |
PB là gì?
PB là viết tắt của cụm từ Promotion Boy, dành để chỉ những chàng trai có chiều cao và ngoại hình ưa nhìn làm công việc hoạt náo viên để quảng bá, quảng cáo sản phẩm…
Khái niệm PB lâu nay vẫn thường được nhắc tới và gắn liền với PG (Promotion Girl, tức là những cô gái chân dài, có ngoại hình ưa nhìn, khuôn mặt khả ái trong các chương trình quảng bá sản phẩm). Tuy nhiên ít người biết rằng công việc của một PB có những nét riêng, rất khác biệt với một PG.
Công việc của những PB mà mọi người biết đến đó vẫn là phát tờ rơi, tổ chức giới thiệu, tiếp thị sản phẩm với nhiều hoạt động khác nhau như nhảy múa, ca hát, khuấy động phong trào, mặc những bộ đồ ngộ nghĩnh phù hợp với sản phẩm của mình, làm nhân tượng… để quảng bá cho các sản phẩm và thương hiệu.
Đặc trưng của PB cũng giống như PG, tất cả họ đều là những chàng trai, cô gái chân dài. Trần Tuấn Vũ, sinh viên năm cuối của Đại học Mỏ địa chất, người đã có 2 năm kinh nghiệm làm PB chia sẻ: “Chiều cao tối thiểu để làm công việc PB là 1m70.
Nhưng đối với những PB càng có chiều cao tốt, khuôn mặt ưa nhìn thì công việc sẽ có thường xuyên, đều đặn hơn là những người hạn chế về chiều cao. Nhiều PB vì có lợi thế về ngoại hình mà có thể làm nhân tượng, làm người mẫu ảnh và người mẫu trình diễn. Những công việc như thế thu nhập sẽ cao hơn các PB khác rất nhiều”.
Ngay cả đối với những PB làm nhân tượng, một công việc rất đặc thù của nghề nghiệp này cũng chỉ dành cho những bạn nam có chiều cao vượt trội, ngoại hình và khuôn mặt ưa nhìn, không được quá gầy. Tú Anh, một người đã từng làm PB nhiều năm cho biết: “Nếu không có chiều cao trên 1m75, mặt không điển trai, ngực không nở nang, cơ bắp không cứng chắc thì các bạn nam đừng mơ làm được nhân tượng. Các công ty tuyển mẫu nhân tượng đều rất khắt khe về chiều cao và hình thể”.
PB nhân tượng phải mặc những bộ trang phục rất tiết kiệm vải, vẽ lên người mình những hình thù kỳ dị, và nhiều khi còn bị những người tham quan nhìn ngắm, trêu đùa, thậm chí là sờ mó. Bù lại những PB này có thu nhập rất cao, hơn nhiều so với những PB chỉ làm những công việc như phát tờ rơi, nhảy múa, ca hát, tiếp thị sản phẩm…
So với những công việc “truyền thống” mà sinh viên, học sinh vẫn thường làm như gia sư, bưng bê tại các nhà hàng, quán cà phê, bán hàng… thì làm PB vẫn là một nghề có thu nhập khá. Mức lương từ 120.000 - 200.000 đồng/ ca, (mỗi ca từ 4 - 6 giờ) là mức giá hấp dẫn với một công việc khá nhàn nhã mà lại linh động về mặt thời gian.
PB kèm PG chạy roadshow cho một nhãn hàng |
Tuấn Anh, một chàng PB đã tung hoành ở các công ty suốt gần 3 năm nay cho biết thu nhập của anh từ ngày đến với công việc làm PB đủ sức để trang trải cho việc học, sinh hoạt, thậm chí đủ cả tiền đi du lịch. “Hè và các ngày lễ tết là thời điểm có nhiều sự kiện, nhiều hoạt động cần đến sự tham gia của PB, thu nhập của PB những lúc này có thể lên tới 7 - 8 triệu đồng/ tháng”, Tuấn Anh tiết lộ.
PB không chỉ có sức hút đối với những nam sinh viên, mà ngay cả những học sinh trung học phổ thông cũng rất có hứng thú đối với công việc này.
Nguyễn Hoàng Long, dù mới học lớp 11 nhưng đã có kinh nghiệm làm PB 2 năm, chia sẻ: “Năm học lớp 9 em đã cao 1m73 rồi, công việc làm PB xuất phát từ một lần em tiếp xúc với các anh chị tiếp thị sản phẩm tại trường em. Lân la làm quen rồi được giới thiệu vào làm. Em thấy thu nhập khá cao, được tham gia vào nhiều hoạt động rất thú vị nên cảm thấy rất thích công việc này”.
Xin làm PB không dễ
Những chàng trai làm nghề PB vẫn thường hay kể về công việc của mình với những điều thị phi cùng những câu chuyện bi hài, dở khóc, dở cười.
“Tuy nhiên, nếu coi PB là một nghề đơn giản với mỹ từ “bán chân dài” như quan niệm hiện nay của không ít người thì chưa hẳn đã đúng”, Tuấn Vũ chia sẻ thêm. Ngay cả công việc đơn giản nhất của những PB, đó là phát tờ rơi cũng luôn có người quan sát và theo dõi, không thể làm bừa, phát bừa cho qua được.
Đã vào nghề được 2 năm, Tuấn Vũ chia sẻ với chúng tôi về công việc của mình với tâm trạng vui buồn khác nhau: “PB là một nghề thuộc lĩnh vực quảng cáo nên nhiều khi cũng rất buồn cười. Có những việc mình làm nhiều khi cũng không thể gọi là một công việc. Chẳng hạn như có những quán cà phê, nhiều lúc vắng khách, chủ lại thuê bọn mình đến ngồi cho đỡ trống. Rồi nhiều khi PB tham gia các hoạt động, các sự kiện mà cũng như không, ví dụ như chỉ có mỗi một việc là chở các PG lượn lờ dạo phố”.
Không chỉ có cấp trên luôn theo sát hoạt động của từng thành viên, mà phía khách hàng cũng thường xuyên tổ chức những đội đi kiểm tra. Tính cạnh tranh của nghề cũng có những nét đặc thù riêng, mà yếu tố quyết định hầu như nằm ở ngoại hình, đặc biệt là chiều cao của mỗi người.
Lê Tuấn Anh, sinh năm 1988 kể về cuộc thi tuyển PB trực tiếp của nhãn hàng dầu nhớt Castrol dành cho động cơ, chương trình chỉ diễn ra trong vỏn vẹn 2 tiếng đồng hồ. Có đến hơn trăm PB đến tham gia dự tuyển tại sân vận động Hoàng Mai, tuy nhiên số lượng trúng tuyển chỉ có 10 người. “Tỷ lệ chọi khi đấy là 1 chọi với hơn chục người.
Nhà tuyển dụng chủ yếu căn cứ vào chiều cao của những người đến dự tuyển mà chọn ra đội ngũ PB cho chương trình của mình. Tất cả những người đến dự tuyển đều phải bỏ giày dép trước khi được đo chiều cao. Chẳng ai có thể gian lận được chiều cao của mình”.
Những việc làm như đứng tiếp thị cho các nhãn hàng được nhiều người nhìn vào như một công việc vô cùng đơn giản, nhưng đằng sau đó là những khó khăn mà các PB luôn phải đối mặt. Tuấn Vũ chia sẻ: “Thông thường, một ca làm việc sẽ kéo dài 6 tiếng, nhưng vào ngày nghỉ, mình thường tranh thủ làm tăng ca. 12 giờ làm việc cũng tức là gần bằng đấy thời gian mình phải đứng liên tục, từ 9 - 21g. Chỉ những lúc nghỉ ăn trưa và ăn tối mới được ngồi xuống. Nhiều lúc cũng oải lắm, nhưng phải cố vì đã nhận làm rồi”.
>> Còn tiếp: PB và những tai nạn dở khóc, dở cười