Dân Việt

Thăm nhà “ông thông gia” Triệu Đà

28/11/2010 06:20 GMT+7
(Dân Việt) - Đoàn thể thao Việt Nam dự ASIAD 16 mới có nhõn chiếc Huy chương Vàng... Mấy ngày qua, chuyện mê tín là không tránh khỏi, cầu thần cầu thánh thì nhìn quanh Quảng Châu không có vị nào thân thích. Chợt nhớ, chỉ có "cụ thông gia" là khả dĩ hơn cả…

Cụ thông gia ở đây là cụ Đà (Triệu Đà - Vua Nam Việt) thân sinh ông Trọng Thủy lấy bà Mỵ Châu - con đức An Dương Vương nhà ta. Thôi thì chuyện trộm cắp, dù chỉ là một chiếc nỏ nhưng nó đã qua lâu lắm rồi, có thể xí xóa cho nhau được, duy mối tình thông gia thì chả ai quên.

img
Đền thờ Nam Việt Vũ Vương Triệu Đà tại Quảng Châu, Trung Quốc.

Trọng Thủy không chung tình đến thế!

Thật ra khu bảo tàng về Triệu Đà - Nam Việt Vũ Vương đã được Chính phủ Trung Quốc xây dựng hoành tráng gần núi Bạch Vân, Quảng Châu. Tuy nhiên, năm 1995, quần thể di tích thành Phiên Ngung (kinh đô Nam Việt) phát lộ trên đường Zhongshan Si Lu.

Ngay lập tức nó được khoanh vùng khai quật và chính thức trở thành địa điểm để dân Quảng Châu ngưỡng vọng về vị vua đầu của đất Lưỡng Quảng. Đền thờ Vũ Vương cũng được xây dựng tại đây. Hiện tại số 316 Zhongshan Si Lu là di tích khảo cổ lừng danh nằm ngay sát phố Bắc Kinh hoa lệ nhất Quảng Châu.

Hồi bé, ai cũng hoài nghi với câu hỏi (dù sách giáo khoa của ta đã dạy thế): Có phải Trọng Thủy đã chết theo Mỵ Châu vì chung tình hay không? Theo "kinh nghiệm" thông thường của dân ta, khó có thể xuất hiện đức tính chung tình ở một kẻ làm "gián điệp".

Đến khu di tích thì thấy sự hoài nghi của con trẻ VN quả thật “chuẩn” hơn so với sách sử bên nhà. Sách sử VN chép rằng năm 208 (TCN) xảy ra sự kiện bi thảm: An Dương Vương mất nỏ, mất Loa thành, mất nước, mất con gái, rồi mất cả con rể, cuối cùng mất cả mạng mình.

Tuy nhiên "Sử ký" của Tư Mã Thiên nói rằng việc bình định Âu Lạc xảy ra ngay trước khi Lã Hậu (vợ Vua Hán Lưu Bang) mất vào năm 180 (TCN). Tất nhiên, "Sử ký" của Tư Mã Thiên (năm 109 đến năm 91 TCN) ra đời ngay sau sự kiện này nên thời điểm trước năm 180 (TCN) được coi là tin cậy hơn.

Con trai của Trọng Thủy là Hồ (Nam Việt Văn Vương) nối ngôi Triệu Đà sinh năm 175 (TCN). Tại đền thờ, tượng Văn Vương được đặt cạnh tượng Triệu Đà cùng bản "Thân thế và sự nghiệp". Chính vì thế nếu Trọng Thủy "đâm đầu xuống giếng" vào năm 208 (sử ta) hay ngay trước năm 180 (sử Tàu) thì Nam Việt Văn Vương đã không được sinh ra.

Hóa ra đến đời sau của Triệu Đà thì cháu nối ngôi ông, chứ không phải là con nối ngôi cha. Chính vì việc này nên đã nảy sinh ra nghi vấn về "một vụ tự tử vì tình" ngàn năm nay dân VN thêu dệt (chuyện ngọc trai rửa giếng Trọng Thủy sẽ càng sáng đẹp là một ví dụ). Lý do chính của việc “con qua mặt bố” của Hồ là vì Triệu Đà sống thọ quá (120 tuổi), lúc đó Trọng Thủy đã "đi thăm" Mỵ Châu ở thế giới bên kia rồi. Kết luận: Đã là "gián điệp" thì không thể chung tình được!

Thăm nhà “cụ thông gia”

Như Khu bảo tàng Triệu Đà, sẽ thật tuyệt vời nếu một Hoàng thành Thăng Long được khôi phục đẹp đẽ được đặt bên trên khu Hoàng thành đổ nát nhưng đầy giá trị lịch sử và giá trị khảo cổ.

Khu di tích tại số 316 Zhongshan Si Lu, Quảng Châu chính là "dinh thự" của Triệu Đà. Cụ Triệu hoặc có thể là ông con Trọng Thủy khá lãng mạn.

Khu dinh thự ấy đầy những sông cùng suối nhân tạo uốn lượn vòng vèo. Thời gian hơn 2.000 năm khiến khu di tích ấy nằm sâu so với mặt đất Quảng Châu bây giờ tới 3m. Dưới lòng suối, những viên đá cuội, viên nào viên ấy to đúng bằng quả trứng ngỗng, hoặc trắng như ngọc thạch hoặc đen như đồng đen. Sống cách đây hơn 2.000 năm mà các cụ "biết ăn chơi" ra phết!

Cách bảo tồn khu di tích này không thể không học tập nếu muốn Hoàng thành Thăng Long của ta được "sánh vai với các cường quốc năm châu". Cả khu di tích sau khi được phát hiện được xây kín bao quanh bằng những viên đá giả cổ, nhìn từ bên ngoài đã gợi cho người ta sự bảng lảng khói sương của lịch sử.

Khu thành giả cổ ấy chia làm 2 tầng: Tầng dưới là khu di tích nguyên trạng dành cho các nhà khảo cổ và các nhà khoa học đến nghiên cứu được bảo vệ nghiêm ngặt (muốn vào đây cần một lô giấy tờ và một hòn sỏi dính vào đế giày cũng bị gỡ ra trước khi rời di tích). Tầng trên là công trình phục hồi nguyên trạng dành cho khách du lịch tham quan.

Tôi thắp 3 nén hương cho cụ thông gia tại đền thờ, buổi tối về đã nhận ngay tin vui: Cầu mây nữ Việt Nam chiến thắng oanh liệt 2 - 0 trước đội chủ nhà Trung Quốc và bước vào chung kết. Rồi hôm sau có ngay tấm “vàng” của Lê Bích Phương.

“Cụ thông gia” thế mà thiêng thật!