Hành trình đưa chữ đến người RụcKể từ khi phát hiện tộc người Rục (năm 1959) trong hang đá ở vùng núi xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, gần 55 năm qua, các cấp chính quyền và Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã nỗ lực không mệt mỏi để đưa người “em út” hòa nhập cộng đồng. Ngoài việc đưa người Rục ra bản sống định cư, dạy cho họ biết tự sản xuất, ổn định cuộc sống thì việc dạy chữ cho đồng bào đặc biệt được chú trọng, bởi lẽ cái chữ được xác định là con đường ngắn nhất để họ hòa nhập cộng đồng. Và trọng trách đầu tiên được đặt lên vai các chiến sĩ biên phòng.
Anh Hồ Tiến Nam - người Rục đầu tiên trở thành thầy giáo.
Các thế hệ chỉ huy ở Đồn Biên phòng Cà Xèng (đóng quân trên địa bàn) coi nhiệm vụ dạy chữ cho đồng bào Rục quan trọng không kém gì so với việc bảo vệ an ninh biên giới. Từ khi đưa những người Rục rời khỏi hang đá, hầu như năm nào Đồn Cà Xèng cũng mở các lớp xóa mù để dạy chữ cho đồng bào.
Thiếu tá Trương Thanh Lưu - cán bộ đồn biên phòng có thâm niên 10 năm cắm bản, cũng là người được bà con người Rục trìu mến gọi bằng thầy vì đã dạy cho họ biết cái chữ. Anh Lưu cho biết, những chiến sĩ biên phòng như anh thường dạy những “học sinh” đã làm mẹ, làm bà trong những lớp học xóa mù vào buổi tối. Lớp học mới nhất anh đứng lớp có 35 học sinh từ 15-50 tuổi. Từ các lớp học này, nhiều người Rục đã biết chữ, đã biết ký tên mình vào các văn bản mà trước đây họ phải điểm chỉ.
Trong khi người lớn được học xóa mù trong những lớp học vào ban đêm thì trẻ em người Rục đều được đến trường học chữ. Thầy Trần Thanh Bun - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Hợp cho biết, hiện ở bản người Rục có 126 học sinh đang theo học ở trường. Đây cũng là kỳ đầu tiên nhà trường mở thêm 2 lớp nhô THCS là lớp 6 với 20 học sinh và lớp 7 với 16 học sinh. Theo thầy Bun, hiện việc học của con em người Rục dẫu vẫn còn nhiều khó khăn nhưng đã có một bước tiến thật dài.
Người Rục đầu tiên làm thầy giáo Đó là Hồ Tiến Nam, người con ưu tú nhất của bản làng, là niềm tự hào của người Rục. Để có được ngày hôm nay, Hồ Tiến Nam đã trải qua một quãng đời đầy cơ cực. Gia đình nghèo của Nam có 8 anh chị em, anh là con thứ 7. Trước năm 1959, ông bà và bố mẹ Nam còn sống trong hang đá. Bộ đội biên phòng phát hiện và đưa họ về với thế giới văn minh. Khi được bộ đội biên phòng và các giáo viên vận động đến lớp, Nam cũng theo lũ bạn đi học cho vui.
Nhưng khác với các học sinh người Rục khác, Nam là một cậu bé ham học. Không lâu sau, Nam đã biết đọc, biết viết rồi nói tiếng Kinh thành thạo. Được thầy cô dạy bảo, anh sớm nhận thức rằng: Chỉ có học được cái chữ mới hy vọng thoát nghèo. Từ suy nghĩ đó, Nam càng quyết tâm học hành.
Trưởng bản Yên Hợp - Cao Ngọc Hà tự hào nói: “Miềng sẽ vận động con cháu trong bản phải noi gương thằng Nam mà phấn đấu học hành, sau này trở thành người có ích cho bản làng”.
|
Trong 3 năm đầu học tại Trường Tiểu học Yên Hợp, Nam luôn dẫn đầu lớp về thành tích học tập. Học xong kỳ 1 năm lớp 3, anh phải băng rừng vượt suối trên con đường Huynh Đệ về Trường Dân tộc nội trú huyện học. Nam nhớ lại: "Ngày đó, đường đi lại khó khăn vất vả lắm. Những lần đầu "hạ sơn" về trường còn có bạn và người lớn đi cùng mới đỡ sợ”.
Học xong cấp 2, Nam lại tiếp tục học cấp 3 ở Trường THPT dân tộc nội trú tỉnh. 3 năm sau, Nam được tuyển vào Trường ĐH Quảng Bình chuyên ngành sư phạm tiểu học. Sau 5 năm dùi mài kinh sử, năm 2013, Nam đã tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại khá. Đúng ngày 10.10 năm nay, Nam nhận được quyết định phân công về Trường Tiểu học Yên Hợp, ngay tại bản làng mình để công tác.
Nam tâm sự: "Em rất vui khi trở thành người Rục đầu tiên làm thầy giáo. Lúc cầm quyết định trên tay, em mừng đến phát khóc. Để có được ngày hôm nay là nhờ công lao dạy bảo, yêu thương hết mực của thầy cô giáo đã dành cho em, đó là những người mà trọn đời em luôn mang ơn".