Hơn 10 năm trước, HLV A.Riedl của ĐTVN đã nói rằng: "Bóng đá VN xây nhà từ nóc", ý là chỉ chăm chăm thành tích thời vụ chứ không có hẳn một hệ thống đào tạo bài bản khoa học để làm nền tảng cho sự phát triển. Cho đến giờ, bóng đá vẫn chưa dứt hẳn tình trạng này, và câu chuyện "xây nhà từ nóc" lại ứng với cả nền TTVN.
Xây nhà từ nóc
Những tấm huy chương điền kinh mở ra hướng đi mới cho thể thao VN? |
Cựu Trưởng đoàn TTVN, ông Nguyễn Hồng Minh sau ASIAD 15 tại Doha (Qatar) đã có một bản phân tích dài về sự yếu kém của công tác đầu tư kiểu mặt trận với những môn mới, những nội dung dễ lấy vàng thay vì đầu tư trọng điểm những nội dung trong hệ thống thi đấu Olympic. Một quan chức ngành thể thao thừa nhận, ở ASIAD 15, tấm HCV ở môn cầu mây là đáng quý thật, nhưng thử hỏi nó có giá trị gì trong việc thúc đẩy phong trào cầu mây và biến thành một môn thể thao trong đời sống?
Đã có thời, TTVN ca ngợi cái gọi là chiến dịch "đi tắt đón đầu" với việc du nhập những môn thể thao xa lạ để tập luyện với mục đích ăn huy chương. Nhưng tới giờ, chính ngành thể thao đã nhận ra rằng, do quá ham "đi tắt" mà TTVN quên mất đâu mới chính là những môn có thể nâng tầm nền thể thao quốc gia.
Sai, nhưng chưa chịu sửa
Tại Olympic Bắc Kinh 2008, Thái Lan, Indonesia đoạt HCV cử tạ, cầu lông, boxing trong sự thèm muốn của TTVN và lúc ấy, nhiều người nhận ra là chúng ta đang đi sai đường nhưng để "nắn lại" thì chưa ai muốn làm quyết liệt hoặc thiếu thời gian. Tâm lý này khiến cho công tác dự báo trở nên… sai bét ngay trước khi ASIAD khởi tranh: Hoàng Ngân bị chấn thương, Hoàng Anh Tuấn dính doping. Đó là những niềm hy vọng vàng. Trên thực tế, khả năng đoạt vàng của 2 VĐV cũng rất phập phù vì chính họ cũng đã từng thất bại ở ASIAD.Và những niềm hy vọng vàng lại tiếp tục gây thất vọng như Xuân Vinh (bắn súng), Hoài Thu (taekwondo), Nguyệt Ánh (karatedo)…
Bất ngờ lại không đến từ… nóc. Lê Bích Phương chẳng có một chút hy vọng nào lại bất ngờ có HCV, cũng chẳng ai ngờ Vũ Thị Hương, Thanh Hằng, Vũ Văn Huyện lại có những tấm HCB và HCĐ rất quý trong điền kinh. Đó là những nội dung, những con người không được chú trọng đầu tư nhiều nhưng lại có hiệu quả.
Tái cơ cấu
Phải nói, những tấm huy chương trong môn điền kinh lại có giá trị đặc biệt. Nói như ông Lê Quý Phượng: "Đây là môn thể thao cơ bản, thành tích của nó nói lên được rất nhiều điều về mỗi nền thể thao. Chúng ta cần phải thay đổi nhận thức kiểu như "thể hình chúng ta thấp bé nên không thể chơi được những môn Olympic". Những tấm huy chương ở những môn thể thao Olympic luôn có ý nghĩa đặc biệt, cao hơn các môn khác. Sau giải đấu này, chúng ta buộc phải tìm những con đường riêng, thế mạnh riêng để chúng ta đi, để làm sao sánh ngang với các bạn bè ở châu lục".
Sau ASIAD 16, chúng ta còn gì cho những năm sau? Ai sẽ là những nhân vật thay thế và kế tiếp thành công của Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng?... Câu trả lời chưa có, nhưng ít nhất là cũng đã rõ hướng đi, hướng đầu tư mới. Bởi thế, ASIAD 16 không hẳn là một thất bại, giá trị của nó là đến lúc phải thay đổi tư duy.
Vi Thành