Văn hóa cổ truyền của dân tộc đang có những biến thái lớn, bị thách thức trước làn sóng mạnh mẽ của thời kỳ hội nhập toàn cầu. Những biến thái đó đang làm thay đổi bản chất của ngày tết cổ truyền.
Trước đây, những người nghiện rượu ngày thường vốn đã ít, nhưng ngày tết người ta cũng không uống tràn lan như nạn nhậu nhẹt bia rượu bây giờ. Tại sao vậy? Vì bia rượu, nhất là bia, được khuyến khích sản xuất, lại quá rẻ do tiến bộ của công nghiệp hóa chất. Trong mâm cỗ ngày tết, các cụ chỉ cất lên đặt xuống mấy chén “chũm cau” rượu gọi là cho mềm môi, trôi chuyện, nay con cháu thì rượu chảy tràn như suối, rượu đong bằng bát, bia tính hàng chục vại, hàng chục chai. Sau khi uống xong, không phải mềm môi mà nhiều khi là máu chảy, thương tích, có khi thành án mạng. Bia rượu thực chất là một sản phẩm văn hóa nhưng đang là thủ phạm triệt tiêu văn hóa.
Ngày tết cha ông vẫn có tục lì xì cho trẻ. Để bày tỏ sự quan tâm đến trẻ con, cũng là cách nhắc nhở “bảo vệ và chăm sóc trẻ em” như bây giờ. Nước nào cũng có tục cho quà trẻ con. Nhưng với ngày tết hiện đại, việc cho quà trẻ em đã bị biến thái trầm trọng. Lì xì cho trẻ đã có mùi buôn bán, thị trường và hối lộ.
Đó là cách kín kẽ nhất để bày tỏ nịnh nọt cấp trên chứ không còn là tình thương yêu trẻ con. Là hành vi không đẹp, nói thẳng ra là vô đạo, vì nhân ngày tết, trong ngày tết, nước mắt không chảy xuôi mà chảy ngược. Nhân viên cung phụng tết cho sếp. Công nhân lo tết cho ông chủ. Người nghèo nộp tiền ăn tết cho người giàu. Kẻ yếu thế rúm ró trước kẻ mạnh. Lì xì là món nợ gây không ít buồn phiền lo lắng cho người nghèo, cơ hội vàng cho người giàu, người có thế lực. Đành rằng Nhà nước và tổ chức từ thiện, báo chí cũng có lo tết cho người nghèo nhưng hạt muối nhân ái không thấm vào đâu so với biển nghèo.
Tết vốn là dịp nghỉ ngơi, nhìn lại thành bại một năm chuẩn bị cho năm mới. Nhưng không ít người lao đao hoặc đổ bệnh trong ngày tết vì mất sức giao đãi, ăn uống xô bồ, đi lại quá mức. Tết đang thực sự thành nỗi ám ảnh của ngành giao thông hàng năm. Các xí nghiệp, nhà máy sợ tết, méo mặt vì tết. Lo tiền thưởng cho công nhân đã đành, nhưng lo nhất là vỡ kế hoạch. Khách hàng các nước nhập hàng hóa của mình không ăn tết. Trong khi đó mình ta nghỉ sản xuất hàng nửa tháng trời, tất bật làm giảm năng suất trước tết, bải hoải tay chân, mệt mỏi sau tết. Thậm chí trả phép chậm hoặc “vỡ trận” nhân lực sau khi ăn tết xong.
Có nên tiếp tục ăn tết “ngày mỗi lớn”, ngày mỗi biến thái như hiện nay? Hay bắt đầu thay đổi cách nghĩ, cách làm, cách “ăn tết”? Hoặc, táo bạo hơn - như có ý kiến đề xuất là “gộp” ăn tết âm lịch cùng ngày tết dương lịch. Thực ra, việc này Nhật Bản đã từng làm thành công và khá triệt để.
Quả thật tết không còn là ngày lễ hồn nhiên vui vẻ nữa rồi.