Dân Việt

Trúng núi tiền, trai "hư" dành hết mua nhà cho mẹ

25/07/2012 15:22 GMT+7
Cả “núi tiền” trúng vé số, Nẵng chẳng mua gì cho bản thân ngoài chiếc xe máy để tiện đi lại, số còn lại mua nhà và tặng một ít tiền cho gia đình nội ngoại. Niềm vui lớn nhất với cậu là đón mẹ về ở nhà mới.

Phan Nẵng (18 tuổi, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) dáng nhỏ bé, thư sinh, từng bỏ học từ lớp 9 do hoàn cảnh gia đình khó khăn. Ông Phan Thành (ba của Nẵng) lấy tên chính thành phố của mình đặt tên cho cả 3 anh em: Phan Phố, Phan Thị Đà và Phan Nẵng.

Tuy nhiên, gia cảnh nhà Nẵng lại chẳng đúng như tên thành phố đang rất phát triển. Từ nhỏ, Nẵng vừa đi học vừa bán vé số, cùng mẹ chạy chợ thu mua hàng rong, phế liệu. Nhiều lúc cậu tăng ca, xin làm nhân viên gác cửa theo giờ cho một quán nhậu trên đường Lê Duẩn từ tối đến sáng; rồi phụ bán quán, trông trẻ thuê… Bạn bè gắn luôn cho Nẵng biệt danh “Nẵng thợ đụng” - đụng gì làm nấy.

Phan Nẵng

Phan Nẵng vẫn làm công việc bán hàng thuê.

Nẵng còn nản lòng hơn khi chứng kiến bố mẹ nhiều lần cãi cọ trong căn nhà nhỏ gần chợ Cồn. Bà Trần Thị Màng (54 tuổi, mẹ Nẵng) đành bỏ nhà đi lang thang, làm đủ nghề kiếm sống. Nhiều lúc bế tắc, Nẵng theo chúng bạn chơi bời, lêu lổng.

Một tối năm 2008, mấy đứa bạn rủ vào chợ Cồn ăn cắp cá. Đang lúi húi lấy cá thì Nẵng cùng nhóm bạn bị tóm gọn, giải lên công an phường. Từ đó, cậu thuộc diện thiếu niên “chậm tiến”, cần tăng cường quản lý, giáo dục…

Tháng 9.2010, lần đầu tiên thành phố Đà Nẵng tổ chức cho gần 300 thanh thiếu niên “chậm tiến” đi thăm quan trại giam, vui chơi ở khu du lịch Bà Nà và đối thoại với Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh. Nẵng là một trong số đó.

Sau lần ấy, Nẵng thay đổi hẳn, từ bỏ nhóm bạn xấu và quyết làm lại từ đầu. Vẫn những bước chân nhỏ len lỏi khắp vỉa hè, ngõ xóm, Nẵng tất tả với tập vé số. Bà chủ quầy hàng Trần Thị Thơm (chợ Cồn) thấy cảm mến rồi nhận cậu vào chạy hàng thuê. Bà Thơm bảo: "Nhiều lần tôi bận đi công chuyện giao luôn hàng quán, tiền bạc cho Nẵng quản lý, nhưng cháu rất ngoan, không bao giờ tơ hào tiền nong của người khác. Ở đây ai cũng quý Nẵng, tôi coi nó như con vậy".

Hơn cả giải độc đắc

Nẵng kể: "Đầu tháng 6, em đang phụ bán hàng ở chợ Cồn, thấy có ông lão tên Dũng bán vé số bị mấy người gần đó không mua vì “số xấu”. Lúc này chỉ còn hơn 10 phút nữa là hết giờ sổ vé. Em nghĩ nếu không bán kịp chắc ông lỗ vốn cả ngày. Bình thường em chỉ mua một tờ cho vui, nhưng lần này ông còn 5 tờ, nên em “mạnh tay” mua dùm.

Sáng hôm sau, Nẵng dò đài tỉnh Đắk Nông, cậu suýt bổ ngửa khi phát hiện dãy vé số độc đắc nằm trọn trong 3 tờ vé số của mình. “Em như không tin vào mắt mình, em lấy ra kiểm tra mấy lần. Lúc đi nhận số tiền trúng giải gần tỷ bạc, em hoa mắt, mừng đến khóc”. Người chúc mừng thì ít, người kéo đến rủ rê chơi bời thì nhiều. Nẵng một mực từ chối.

Cậu dành hết tiền, dốc sức tìm mua căn nhà nhỏ và mời mẹ về ở. Bà Màng mừng tủi: "Tôi cứ tưởng cả quãng đời còn lại phải ngủ ngoài đường, ai mong có ngày được ở nhà riêng này. Mỗi lần đi bán vé số và hàng rong về, tôi tiện đâu ngủ đấy. Có lần thằng Nẵng đi ngang gặp, nó bảo tôi đi thuê phòng trọ, nhưng mẹ con làm gì có tiền".

Cả “núi tiền” trúng vé số, Nẵng chẳng mua gì cho bản thân ngoài chiếc xe máy để tiện đi lại, số còn lại mua nhà và tặng một ít tiền cho gia đình nội ngoại. Niềm vui lớn nhất với cậu là đón mẹ về ở nhà mới.

Nẵng tiếp tục việc đi bán hàng thuê, phụ giúp má Thơm. Cậu đang cố làm thêm tích cóp tiền để và đi học bổ túc, rồi xin vào trường nghề học một việc gì đó kiếm sống lâu dài.

“Thằng Nẵng trúng độc đắc, còn tôi như vớ được vàng vì thấy con mình thay đổi, trưởng thành, biết lo toan cho gia đình”, bà Màng mắt rưng lệ vì hạnh phúc.

Chị Mai Thị Thúy Vân - Bí thư đoàn phường Hải Châu II (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), cho rằng Nẵng chỉ nhất thời phạm lỗi, bản chất em vẫn ngoan hiền. Lần Nẵng trúng vé số, Đoàn phường có theo dõi sợ Nẵng có nhiều tiền sẽ ăn chơi, hư hỏng. Nhưng Nẵng chứng tỏ sự trưởng thành, xa rời cái xấu. Nhiều người khâm phục em đã vượt lên nghịch cảnh.

Gần tuần nay, chuyển về căn nhà mới trên đường Thái Thị Bôi, niềm vui chưa dứt trên khuôn mặt Nẵng: “Có mơ cả đời cũng chẳng bao giờ thấy một căn nhà riêng cho mẹ con cùng sinh sống”. Mẹ bớt khổ, không còn ngủ ngoài đường nữa. Cả tuổi thơ theo nghiệp bán vé số, cuối cùng Nẵng đổi đời từ chính tờ vé may mắn của mình.

Tiền Phong